THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:55

PHÚ YÊN:

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kéo giảm tai nạn lao động

Song hành với các giải pháp đó, các cấp công đoàn, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa, giảm nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho NLÐ. Qua đó góp phần thúc đẩy việc sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên,  năm 2021 xảy ra 30 vụ TNLĐ. Trong đó, TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động 20 vụ, đều bị thương nhẹ, còn lại 10 vụ TNLĐ nghiêm trọng ở  khu vực không có quan hệ lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại một số doanh nghiệp chưa cao cộng với tâm lý chủ quan, bất cẩn của NLĐ trong quá trình làm việc. Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, tỉnh đã và đang nỗ lực kéo giảm hơn nửa số vụ TNLĐ, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối trong SXKD tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng năm, tỉnh đều đặt mục tiêu chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe NLĐ; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Để kéo giảm TNLĐ, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt. Theo báo cáo của 26 doanh nghiệp, năm 2021 dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các đơn vị đã huấn luyện về ATVSLĐ cho 4.828 người; đã kiểm định 624 máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp các đơn vị thường xuyên tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nhằm ngăn chặn các vụ TNLĐ xảy ra. Các đơn vị, doanh nghiệp rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; thực hiện kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Anh2-ATLD

Lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Công ty Điện lực Phú Yên trao nhà Tình nghĩa cho một gia đình công nhân lao động gặp khó khăn. Ảnh: HÀ THU

Anh Đỗ Chí Cường, công nhân Công ty TNHH Nhôm kính Vân Nam Phát (TP Tuy Hòa), nói: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi làm việc rất nghiêm túc để đảm bảo an toàn và có thu nhập. Chủ sử dụng lao động cũng quan tâm nhất định đến công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe NLĐ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc. NLĐ chúng tôi cũng tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn, chấp hành đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Bà Cao Thị Phượng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MOSC Việt Nam (KCN Hòa Hiệp, TX Đông Hòa) cho biết: Để NLĐ yên tâm làm việc, chúng tôi luôn chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, vật rơi, đổ sập, điện giật… Đồng thời tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định về ATVSLĐ cho NLĐ. NLĐ cũng rất ý thức trong việc thực hiện nghiêm công tác này.

Tại Nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ xuất khẩu (Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên) thuộc khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, hưởng ứng Tháng Hành động ATVSLĐ năm 2022, nhà máy đã triển khai đầy đủ các hoạt động để đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ. Nhà máy hiện có 60 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Do tính chất đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh dăm, gỗ, nhà máy thường xuyên tổ chức cho cán bộ, công nhân viên tham gia tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ.

Theo ông Nguyễn Oanh, Phó Giám đốc nhà máy, với tiêu chí ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ là trên hết, nhà máy ban hành các quy định về công tác ATVSLĐ. Hàng tháng, hàng quý, nhà máy đều tổ chức vệ sinh công nghiệp, bảo dưỡng máy móc, thiết bị nhằm phát hiện các sự cố, khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn; khu vực sản xuất đều có biển báo, quy chế vận hành máy móc… “Điều kiện môi trường lao động bị ô nhiễm do tiếng ồn, lượng bụi nhiều nên chúng tôi rất quan tâm đến sức khỏe NLĐ và công tác ATVSLĐ. Từ đầu năm, nhà máy đã mua sắm trang thiết bị, phương tiện bảo hộ cho NLĐ, thực hiện khám sức khỏe định kỳ và bồi dưỡng sức khỏe cho NLĐ. Bên cạnh đó, phong trào thi đua Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ cũng được NLĐ, công nhân nhà máy đẩy mạnh thực hiện”, ông Nguyễn Oanh cho biết.

Anh3-ATLD

Công nhân Nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ xuất khẩu (Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên) được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc. Ảnh: KIM CHI

Anh Trần Duy Nhất, Ca trưởng vận hành tại nhà máy, thổ lộ: “Tôi làm việc ở đây từ năm 2020. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà máy luôn chủ động thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và địa phương, có phương án phòng, chống dịch bệnh cụ thể; sắp xếp, bố trí nhân viên nghỉ luân phiên, chia ca làm việc. Để đảm bảo ATVSLĐ, mỗi năm, nhà máy trang bị 2 bộ quần áo, các phương tiện bảo hộ lao động; công nhân vào ca luôn ý thức cao trong công tác an toàn. NLĐ tăng ca đều được bồi dưỡng theo chế độ”.

Công nhân Nguyễn Ngọc Vũ nói: Môi trường làm việc nhiều bụi nên chúng tôi được nhà máy quan tâm trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động như găng tay, quần áo. Các chế độ để đảm bảo sức khỏe NLĐ luôn được đặt lên hàng đầu; hàng tuần nhà máy đều phát sữa để hỗ trợ sức khỏe NLĐ. Với mức lương như hiện nay, đời sống của công nhân tương đối ổn định. Từ việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, nhiều năm nay, nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ xuất khẩu này không xảy ra tai nạn lao động, sức khỏe công nhân, NLĐ, nhân viên được bảo đảm. 

Theo ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, công tác đảm bảo ATVSLĐ, ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng. Nó có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và sự phát triển của mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở SXKD cũng như hộ gia đình. Vì vậy, quan tâm đến ATVSLĐ cũng có nghĩa là quan tâm trực tiếp đến NLĐ, tài sản của doanh nghiệp và xã hội. 

Từ năm 2021 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND các địa phương và doanh nghiệp tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, đối thoại về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành với 697 người tham gia, qua đó nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ. Sở cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ, báo cáo kịp thời TNLĐ, tình hình công tác ATVSLĐ định kỳ và hàng năm; khai báo đầy đủ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp tự kiểm tra, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở; xử lý nghiêm minh, kịp thời những doanh nghiệp cố ý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.

Đặc biệt là trong Tháng Hành động ATVSLĐ năm 2022, các giải pháp ATVSLĐ được đẩy mạnh. Từ công tác tuyên truyền sâu rộng đến các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc. Triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến doanh nghiệp và NLĐ; thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế TNLĐ, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

NGỌC MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh