CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 10:13

Nâng cao tay nghề để mở rộng cơ hội việc làm trong kỷ nguyên số

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Công nghệ số có thể tạo ra 269 triệu việc làm mới

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhìn nhận, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

“Cụ thể, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo”, ông An nói, và nhấn mạnh sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bà Nguyễn Hồng Hà - đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, tiến bộ công nghệ và chuyển đổi theo hướng xanh sạch hơn sẽ mở ra những cơ hội, thay đổi tích cực nhưng đồng thời khiến thị trường lao động bị xáo trộn. Đặc biệt, thời gian qua dịch Covid-19 đã xáo trộn về việc làm, là phép thử cho khả năng chống chịu của nhiều nền kinh tế.

Cũng theo bà Hà, việc đánh giá về nhu cầu kỹ năng cho tương lai cần dựa vào phân tích thấu đáo hơn về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới từng ngành kinh tế.

“Mặc dù sự phát triển của công nghệ số khiến 6 triệu việc làm mất đi, nhưng thay vào đó có thêm 24 triệu việc làm mới, trong đó khoảng 18 triệu việc làm trong nên kinh tế xanh, nếu “chăm sóc” tốt, có thể tạo ra 269 triệu việc làm mới vào năm 2030. Tương lai việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta, những hành động hôm nay sẽ định hình tương lai của việc làm. CMCN 4.0 tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Do đó, phát triển kỹ năng không phải là nhiệm vụ của riêng bên nào", bà Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.  

Các cơ sở đào tạo cần được quyền tự quyết lớn hơn

Để nâng cao tay nghề trong thời đại số, theo bà Nguyễn Hồng Hà, hệ thống giáo dục nghề nghiệp “lên ngôi”, vì thế cần nhạy bén và có sức chống chịu hơn; bên cạnh đó cần trao quyền quyết định lớn hơn cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch, triển khai đào tạo.

Bởi lẽ đó, hơn bao giờ hết, các cơ sở đào tạo cần được trao quyền tự quyết lớn hơn; lấy người học làm trung tâm của giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng, ban hành hướng dẫn thực hiện.

Đồng quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình tiếp cận và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, PGS - TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhà trưởng đang đặt mục tiêu vào top 15 nhóm nghiên cứu hàng đầu châu Á về trí tuệ nhân tạo thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Quân cho hay, nhà trường sẽ đổi mới chương trình đào tạo, phối hợp với doanh nghiệp để đồng đào tạo, khuyến khích sinh viên học một số tín chỉ trên nền tảng mở...

Cũng liên quan đến nâng cao năng lực cho người lao động, phải coi đây là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cần có giải pháp đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề lao động thích ứng công nghệ mới. Việc đào tạo sẽ tiến hành chủ yếu thông qua doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục nói chung.

Ông Dung cho biết, Chính phủ có chủ trương, chính sách hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao nhằm tiếp cận, bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và nhóm các nền kinh tế lớn. Chính phủ cũng có kế hoạch hình thành 80 trường đào tạo lao động chất lượng cao trong thời gian tới; thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao.

“Ba trung tâm vùng ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ được thành lập theo tinh thần đó. Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp. Đây sẽ là hướng đi phù hợp để thị trường lao động, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có sự phát triển đột phá", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong tiến trình này, Việt Nam luôn xác định con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Với những giải pháp đồng bộ đang được Chính phủ, các ngành, địa phương triển khai, các chuyên gia tin tưởng, lao động qua đào tạo nghề ở nước ta từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh