Thực hiện hiệu quả nhiều mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm
- Pháp luật
- 18:37 - 10/10/2021
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tích cực tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm
Tính đến hết năm 2020, số lượng mại dâm hoạt động trên địa bàn ước tính khoảng 200 người, hầu hết là người có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình hình hoạt động mại dâm hiện vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động mại dâm biến tướng, thường lợi dụng các cơ sở massage, karaoke, quán bar, vũ trường, mạng internet, mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để hoạt động. Ngoài ra, còn phát hiện các đường dây mại dâm chuyên nghiệp, hoạt động tinh vi như: sử dụng internet, điện thoại di động và các phương tiện hiện đại khác để hoạt động.
Thời gian qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng, công an các địa phương đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá các điểm hoạt động mại dâm, đồng thời tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai các Mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm giai đoạn 2016 - 2020.
Với đặc điểm là những năm trước đây có nhiều người sử dụng ma túy đồng thời nhiễm HIV và người bán dâm, thị xã Phú Mỹ là địa bàn được chọn triển khai thí điểm mô hình nói trên với tên gọi: Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội.
Mô hình được thực hiện trong năm 2019 - 2020, với mục tiêu là tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ giảm hại cho 80 đến 100 lượt khách hàng là người bán dâm, lao động có nguy cơ cao hoạt động mại dâm làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, trong đó, tối thiểu có 10 người bán dâm. Tối thiểu 20 người bán dâm được tiếp cận, tham gia các hoạt động tuyên truyền, tư vấn định kỳ hàng tháng; 50% người bán dâm (đã tiếp cận, tư vấn) được chuyển gửi đến dịch vụ phù hợp. Xây dựng 1 bộ tài liệu truyền thông.
Để triển khai mô hình này, từ đó hỗ trợ, giảm hại cho nhóm đối tượng người bán dâm, các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm đã được hình thành, phát triển và duy trì hoạt động có hiệu quả.
Được sự quan tâm của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cử cán bộ tham gia lớp tập huấn triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm, đây là cơ sở tổ chức triển khai hoạt động các mô hình trong năm 2020 được đảm đúng theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.
Trong các năm 2019 - 2020, Sở LĐ-TB&XH đã khảo sát, tiếp cận các thành viên nòng cốt từ các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực có kinh nghiệm thực tiễn như: Nhóm Full House, Nhóm Phố Cảng Tân Thành, Nhóm Muối Trắng… và vận động Nhóm Full House tham gia phối hợp triển khai thực hiện mô hình tại địa bàn thị xã Phú Mỹ năm 2019, đến năm 2020 đổi tên Nhóm Câu lạc bộ Bình đẳng giới.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các mô hình này đã nhận được sự đồng thuận, tạo điều kiện cũng như sự phối hợp của Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm y tế thị xã Phú Mỹ, điều đó đã đảm bảo tính bền vững và hiệu quả thực hiện của mô hình tại thời điểm này và cho những năm tiếp theo.
Hải Phòng: Nhiều mô hình thiết thực
Theo thống kê, Hải Phòng hiện có 2.609 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Công an thành phố Hải Phòng xác định 2 địa bàn có nhiều tiềm ẩn về tệ nạn mại dâm là khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà.
Các lực lượng chức năng Công an thành phố đã triệt phá 56 vụ mại dâm, bắt giữ 292 đối tượng; trong đó, đã xác lập 32 chuyên án triệt xóa các ổ nhóm hoạt động mại dâm; khởi tố 52 vụ với 58 bị can; xử phạt hành chính 220 đối tượng mua, bán dâm.
Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hải Phòng cho biết, hàng năm, UBND Thành phố đều ban hành các Kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm và chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng các mô hình giảm hại trong phòng chống mại dâm nhằm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2016, được sự hỗ trợ của tổ chức UNFPA, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) đã triển khai mô hình “Tăng cường tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS” cho phụ nữ làm việc tại các nhà hàng, khách sạn tại Đồ Sơn. Năm 2017, Chi cục PCTNXH triển khai mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa giảm tác hại về phòng, chống HIV/AIDS trong phòng, chống tệ nạn mại dâm” tại quận Hồng Bàng, huyện Kiến Thụy.
Việc thực hiện mô hình này đã hỗ trợ, giúp đỡ chị em được khám chữa bệnh, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm hòa nhập cộng đồng.
Năm 2018, Chi cục PCTNXH phối hợp Trung tâm Công tác xã hội triển khai mô hình “Cung cấp dịch vụ công tác xã hội hỗ trợ cho người bán dâm”; qua đó đã cung cấp kiến thức, kỹ năng công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ cơ sở, thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp xã hội đối với người bán dâm; giới thiệu tổng đài tư vấn miễn phí 18006605 tại Trung tâm CTXH.
Năm 2019 và 2020, thành phố Hải Phòng đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” và mô hình “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng” tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên.
Trong 2 năm 2019 và 2020 đã thành lập được 2 Nhóm tự lực, hỗ trợ Nhóm thiết lập đường dây nóng, thực hiện tiếp cận được trên 600 lượt người lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tổ chức 32 buổi sinh hoạt nhóm, mỗi buổi 20 người tham gia; 22 người được học nghề ngắn hạn... phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ (Trung tâm Y tế quận Đồ Sơn, Công ty Luật, Trường Trung cấp nghề Thăng Long) nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng cho người bán dâm, lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Có thể thấy, các mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng; số người bán dâm, lao động nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngày càng được tiếp cận nhiều hơn và được tham gia vào các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn pháp lý, khám sức khỏe… có sẵn tại địa bàn triển khai.
Hầu hết các chính sách, dịch vụ hỗ trợ đang triển khai tại mô hình đều đáp ứng nhu cầu thực tế cho người bán dâm, lao động nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.