Thực hiện chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững
- Dược liệu
- 22:55 - 29/06/2018
TS. Nguyễn Văn Hồi-Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Văn Hồi-Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Ngọc Xuân- Vụ trưởng Vụ xã hội - Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trần Ngọc Sinh – Vụ phó- Ban Kinh tế TƯ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế; lãnh đạo một số Hiệp hội, Hội, trường đại học, các tổ chức quốc tế (UNDP, ILO, UNICEF) cùng đông đảo lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: “Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020 là một dấu mốc quan trọng tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.
Nghị quyết tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội. Nghị quyết 15-NQ/TW đã khẳng định: Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
“Trước những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là dưới tác động của các xu thế mang tính thời đại như già hóa dân số, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0, các chính sách xã hội giai đoạn sau 2020 cần có những điều chỉnh phù hợp”, ông Hồi cho biết.
Theo đó, ông Hồi khẳng định, cần thiết phải tiến hành đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện những kết quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai Nghị quyết từ năm 2012 đến hết năm 2020 là cơ sở đề xuất một chương trình nghị sự mới, phù hợp với tình hình thực tế của giai đoạn 2021 -2030…
Quang cảnh Hội thảo
Mục tiêu của hội thảo là đánh giá kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ở cả trung ương và địa phương quy định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó chỉ rõ mặt được, chưa được và khuyến nghị mục tiêu, giải pháp giai đoạn 2021- 2030.
Ngoài ra, chuyên gia, các tổ chức quốc tế và đại diện các địa phương tập trung đánh giá hai lĩnh vực có liên quan đến trợ giúp xã hội là giảm nghèo và bảo hiểm xã hội.
Trên cơ sở đó, khuyến nghị kế hoạch đánh giá tổng thể kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội quy định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và định hướng xây dựng hệ thống an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia và đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội, giảm nghèo và khuyến nghị định hướng, giải pháp giai đoạn tới.
Chia sẻ kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và giảm nghèo tại một số địa phương. Đánh giá bước đầu và đề xuất phương pháp, nội dung và khung kế hoạch đánh giá Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó tập trung vào lĩnh vực trợ giúp xã hội và định hướng giai đoạn tới.
Được biết, trong giai đoạn 2012- 2018, các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội đã được triển khai với nhiều kết quả khả quan, bảo đảm định mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước; phát triển các hình thức trợ giúp phong phú, đa dạng theo hướng xã hội hóa; huy động các hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế như vốn, đất sản xuất, công nghệ, thị trường... và các dịch vụ xã hội cơ quan như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý ...
Qua đó, số lượng đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội từng bước được củng cố, kiện toàn, phát triển về số lượng; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ; tổ chức lại cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng cung cấp dịch vụ và quản lý ca tại cộng đồng; gia tăng số lượng đối tượng và người dân thụ hưởng dịch vụ. Phát triển mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp trong hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng.