Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2016–2020 tại Đắk Lắk
- Huyệt vị
- 23:57 - 22/06/2021
Cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng quan tâm Lãnh đạo, chỉ đạo đến công tác bình đẳng giới xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ ngày càng được nâng cao, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn chủ động quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Trong giai đoạn 2016-2020 với bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, nhất là chị em phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù có những khó khăn trên, nhưng các chỉ tiêu trong giai đoạn đã đạt và vượt (16/22 chỉ tiêu), điển hình là công tác giải quyết việc làm, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, công tác thông tin truyền thông, gia đình. Công tác bình đẳng giới đã được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, công tác khuyến nông, khuyến lâm, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, hoặc được đào tạo lồng ghép trong các đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Cùng với các hoạt động tuyên truyền các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể đã chú trọng việc xây dựng và triển khai hoạt động có hiệu quả nhiều mô hình, câu lạc bộ. Trong 5 năm qua các sở ban ngành của tỉnh và địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới là 240 lớp với 25.593 người tham gia và đồng thời thực hiện tập huấn lồng ghép công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ vào các chương trình khác của đơn vị là 129 lớp, với sự tham dự của 23.400 lượt người về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, luật giao thông. Bên cạnh đó thông qua các hội nghị, hội thảo, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên đã tổ chức được 9.256 buổi với sự tham dự của 452.000 lượt người
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động điểm tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017, 2019 tại 02 huyện: Krông Ana và huyện Cư Kuin với tổng số người tham dự trên 2.200 đại biểu, tặng 01 sổ tiết kiệm, hỗ trợ phát triển kinh tế 02 mô hình chăn nuôi với tổng số tiền 30.000.000đ cho 03 gia đình người có công với cách mạng là nữ có hoàn cảnh khó khăn, tặng 26 xuất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập với số tiền là 24.000.000đ và ký kết hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 giữa Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố.
Ngoài ra, một số Sở, ban ngành, địa phương đã tích cực mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo là nữ như: Sở Thông tin và truyền thông mở lớp "nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ lãnh đạo nữ" trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tập huấn "nâng cao năng lực cho lãnh đạo nữ các cấp Hội", Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố mở lớp bồi dưỡng kỹ năng ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cho các nữ đại biểu hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới, tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn, hàng năm trên toàn tỉnh.
Cùng với sự nỗ lực của các ngành, đoàn thể, nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới, từng bước được nâng lên, đã có những chia sẻ khó khăn cho người phụ nữ và cùng cộng tác giúp đỡ người phụ nữ vươn lên trên mọi lĩnh vực. Công tác bình đẳng giới được cải thiện đáng kể như: phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo ở cơ sở ngày càng tăng, được tiếp cận nhiều về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các nguồn lực để phụ nữ tạo việc làm có nguồn thu nhập ổn định nâng cao đời sống gia đình.
Công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng như: có sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, vai trò của phụ nữ ngày càng được phát huy, nâng cao, các tầng lớp phụ nữ đã có nhiều cơ hội tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên, địa vị người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội ngày càng được tôn trọng, khẳng định, cơ hội bình đẳng cho cả nam, nữ trong việc tham gia và thụ hưởng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Được lồng ghép trong các Chương trình, Kế hoạch phát triển của tỉnh, cụ thể như: giải quyết việc làm, giảm nghèo, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, công tác khuyến nông – khuyến lâm ... Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến công ước CEDAW (Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), Luật Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục - đào tạo, y tế và một số lĩnh vực khác ... cũng như Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân trong tỉnh. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức cũng như hành động trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới. Với mục tiêu là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác bình đẳng giới trên địa bàn còn gặp khó là do trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của phụ nữ còn nhiều hạn chế so với nam giới, số ít phụ nữ thiếu việc làm, thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, một số phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa phấn đấu tự vươn lên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn có liên quan chưa được thường xuyên và sâu rộng.
Ngoài những kết quả đạt được, nhưng nhận thức công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa, nhận thức chưa đồng đều.
Việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo có những hạn chế như: việc tiếp cận với giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn gặp nhiều trở ngại hơn so với trẻ em trai. Nguyên nhân chủ yếu do các em phải lao động giúp đỡ gia đình và một số nơi vẫn có tập quán lấy chồng sớm. Vì vậy, có khoảng cách giới tồn tại về cơ hội đi học ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế khó khăn,
Công tác thống kê số liệu có tách biệt giới chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức. Điều này đã hạn chế việc phân tích giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
Nguồn kinh phí dành cho hoạt động bình đẳng giới ở các cấp, các ngành vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, dẫn tới hoạt động ở một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực tế.