Bình đẳng giới góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM
- Y học 360
- 19:13 - 07/03/2021
Phụ nữ tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, họ có nhiều cơ hội để vươn lên
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Ngọc Sơn cho biết, qua 10 năm thực hiện bình đẳng giới và 4 năm thực hiện đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, TP đã đạt được nhiều thành tựu, được thể hiện qua 4 nội dung.
Thứ nhất, về chính sách và nguồn lực, Thành uỷ, HĐND TP và UBND TP đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và bố trí nguồn kinh phí đảm bảo triển khai các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực hiệu quả. Bên cạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới, TP thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu và tham gia với các Bộ, ngành tổ chức hội thảo, hội nghị liên quan đến bình đẳng giới.
Từ đó, góp phần thay đổi cách tiếp cận về bình đẳng giới của các ngành, các cấp, đặc biệt tác động đến sự thay đổi quan điểm, nhận thức về giới của đối tượng thụ hưởng dự án trong thời gian qua.
Thứ hai, TP đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, toạ đàm, diễn đàn, hội thi, game show, bản tin, loa phát thanh,…. Các hoạt động trên đã thu hút được các giới, đội ngũ cán bộ nhân viên, cộng đồng dân cư tham gia tìm hiểu về sự tiến bộ phụ nữ và có 1.531.024 lượt người theo dõi, bình luận qua mạng xã hội Facebook…
Nhờ các hình thức truyền thông đa dạng, các giới, cộng đồng dân cư có cơ hội tham gia tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới hiệu quả, có những hoạt động đã phủ sóng đến các địa điểm, khu vực, các xã vùng sâu.
TP đã xây dựng 7 mục tiêu và 26 chỉ tiêu nhằm duy trì thành quả đạt được và từng bước bảo đảm sự tham gia một cách bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình. Có thể kể đến một số mục tiêu như: bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và giáo dục đào tạo; bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế; bình đẳng giới trong gia đình, văn hoá thông tin và phòng chống mua bán người;…
Ngoài ra, TP còn triển khai mô hình "Lồng ghép giới và ngân sách giới trong lĩnh vực cải tạo cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ giao thông công cộng" nhằm thúc đẩy bình đẳng giới bình đẳng giới và phòng ngừa quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà chờ,…; mô hình "Dịch vụ một cửa hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện phát hiện bị bạo lực, xâm hại tình dục tại Bệnh viện Hùng Vương"; mô hình "Câu lạc bộ Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới";… Ông Sơn cho biết.
Bình đẳng giới là vấn đề có tính toàn cầu
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2020" và Sơ kết 4 năm thực hiện đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017-2020" trên địa bàn TPHCM , Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, hiện nay, công tác bình đẳng giới là một vấn đề có tính chất toàn cầu và được hầu hết các quốc gia quan tâm. Thực tiễn cho thấy, việc phụ nữ được bình đẳng với nam giới khi tham gia vào tất cả các hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, được thừa hưởng mọi thành quả từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội là biểu hiện của một xã hội công bằng, tự chủ và văn minh. Khi phụ nữ được tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, họ có nhiều cơ hội để vươn lên, làm chủ bản thân, gia đình mình và cùng nhau làm chủ xã hội.
Thời gian qua, từ thành phố, quận, huyện, đến các cơ quan, các thành viên của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới phải rà soát lại kết quả đạt được và những mặt chưa hoàn thành. Đặc biệt, chú trọng kết quả thực hiện 7 mục tiêu, 26 nhóm chỉ tiêu, chỉ ra được những nguyên nhân, hạn chế và yếu kém, đồng thời đề ra kế hoạch thực hiện trong 5 năm 2021-2025.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị rà soát và kiện toàn thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TP. Trong đó, tăng cường cơ cấu nam trong Ban, tổ chức các hoạt động thực chất hơn, xác định những cao điểm chiến dịch để tập trung tổ chức thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát,… Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cấp, các ngành nghiên cứu mô hình phát huy vai trò tổ công tác nữ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát lại các hoạt động, các mô hình hiện có để xây dựng các giải pháp và nâng cao năng lực về bình đẳng giới trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, đưa nội dung hành động vì bình đẳng giới thành tiêu chí thi đua của từng cơ quan, đơn vị, có thể xây dựng tiêu chí ứng xử văn hoá nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trong cơ quan trên cơ sở giới.
"Việc thay đổi định kiến, những vấn đề về giới tại Việt Nam chịu nhiều tác động của văn hoá phong kiến. Do đó, truyền thông phải vào cuộc và xác định đây là trách nhiệm lâu dài, liên tục và phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thông tấn. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các cơ quan truyền thông của TP nên có sự quan tâm đặc biệt về giới, các báo đài nên có những chuyên trang về vấn đề này.
Các Nhà văn hoá trên địa bàn nên có những hoạt động thường xuyên, có những câu lạc bộ, những lực lượng tư vấn tình nguyện về vấn đề tiến bộ phụ nữ, bình đẳng giới, phòng chống bạo hành". Phó Chủ tịch nhấn mạnh.