Thực hiện các mục tiêu về trẻ em: Còn nhiều thách thức
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 14:09 - 15/09/2015
Hơn 82% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ
Một trong những mục tiêu bao trùm của MDGS là giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Kết quả của MICS 2014 nêu bật tình trạng bất bình đẳng vẫn tiếp diễn, thể hiện ở tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi trong nhóm dân số yếu thế. Cứ 1.000 trẻ sinh ra sống thì có 20 trẻ em tử vong trước ngày sinh nhật lần thứ 5. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong ở mức 22 trẻ trên mỗi 1.000 ca sinh. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cao nhất ở nhóm dân tộc thiểu số, với hơn 43 trường hợp tử vong trên 1.000 ca sinh. Dữ liệu của MICS Việt Nam 2014 cho thấy, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đã tăng từ 17 lên 24% trong 5 năm qua. Cân nặng khi sinh là một chỉ số quan trọng không chỉ phản ánh tình trạng sức khỏe và tình hình dinh dưỡng của người mẹ mà còn thể hiện triển vọng sống, tăng trưởng, phát triển về sức khỏe và tâm lý của trẻ sau này. Bất bình đẳng trong cân nặng khi sinh thể hiện rõ rệt nhất ở khu vực Tây Nguyên, với hơn 7% trẻ em sinh ra có cân nặng dưới 2.500gr so với mức bình quân chung cả nước là 5,7%
Hơn 82% trẻ em trong độ 12-23 tháng tuổi được tiêm chủng đầy đủ nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em dân tộc Kinh cao hơn (84,6%) so với trẻ em dân tộc thiểu số (69,4%). Bên cạnh đó, những hộ gia đình nghèo nhất có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, 72,2%, trong khi tỷ lệ này lên đến hơn 87% ở những hộ gia đình khá giả hơn. Mặc dù vậy, tỷ lệ trẻ em độ tuổi 12-23 tháng tuổi được tiêm chủng đầy đủ trước lần sinh nhật thứ nhất chỉ đạt ở mức 75,6%. Ở Việt Nam, hơn 82% phụ nữ được tiêm phòng uốn ván, song tỷ lệ tiêm phòng ở phụ nữ vùng Tây Nguyên chỉ đạt 63%.
Tỷ lệ trẻ em tiêm chủng ngày càng tăng cao
Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo, 92% dân số tiếp cận được với nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh – 98% sống ở khu vực thành thị và 89% ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, bất bình đẳng vẫn còn tồn tại giữa các hộ gia đình người dân tộc thiểu số và người Kinh. Chỉ có 75% các hộ gia đình dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh so với 95% các hộ gia đình người Kinh. Hơn 79% các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, vẫn còn sự khác biệt trong tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân số khu vực nông thôn và thành thị.
Hơn 68% trẻ em phải chịu phạt
Hơn 68% trẻ em trong độ tuổi 1-14 tại Việt Nam phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt về thể xác hoặc tâm lý. Các bé trai thường chịu hình thức xử phạt về thể xác (48,5%) hơn là các bé gái (36,6%). Trẻ em ở những hộ gia đình nghèo và những em có mẹ trình độ văn hóa thấp thường có khả năng phải phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt thể xác hoặc tâm lý. Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định tuổi kết hôn tối thiểu là 18 tuổi đối với nữ giới. Số phụ nữ trong độ tuổi 15-19 kết hôn hiện nay đã tăng đến 10,3% so với 8% từ báo cáo MICS 2011. Bên cạnh đó, có mối tương quan mạnh mẽ với giáo dục, điều kiện kinh tế và kết hôn sớm, với tỷ lệ 26% phụ nữ trong độ tuổi 15-19 từ những hộ gia đình nghèo nhất kết hôn sớm so với chỉ 2% từ những hộ gia đình khá giả. Đặc biệt, gần 30% phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15-19 tuổi đã kết hôn.
Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, những thông tin thu thập được qua cuộc điều tra này sẽ góp phần theo dõi, đánh giá và hoạch định chính sách về quyền trẻ em và phụ nữ Việt Nam; theo dõi tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia và quốc tế vì trẻ em được cam kết trong Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020, Mục tiêu và Kế hoạch hành động vì Một thế giới phù hợp với trẻ em, Báo cáo hoàn thành Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 và góp phần cung cấp số liệu cơ bản cho việc xây dựng Chương trình nghị sự Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015.
Đánh giá cao những thành tựu tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu vì trẻ em cũng như Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, tuy nhiên, theo Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil: Thông qua các kết quả MICS 5 cho thấy trẻ em vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải nỗ lực để giải quyết. Đó là vấn đề nghèo đói và phân hóa mức sống; chênh lệch về phát triển theo vùng, miền, đặc biệt là giữa nhóm trẻ dân tộc ít người và nhóm trẻ Kinh/Hoa; trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS…