THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:25

Thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được quan tâm, đặc biệt là vấn đề lao động trẻ em. Do đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính các em, gia đình, cộng đồng và của cả doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Đối thoại.

 

Điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy: Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và khá gần với tỷ lệ của khu vực. Lao động trẻ em tồn tại nhiều trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: “Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền vững, sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng”.

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam phát biểu.

 

Việc phải lao động sớm để lại nhiều hậu quả không nhỏ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của các em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục. Từ đó tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như tới việc thực hiện các quyền cơ bản của các em, làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Theo chuyên gia cao cấp về lao động trẻ em Benjamin Smith, trên thế giới có 152 triệu trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em, gần một nửa trong số đó (73 triệu) đang tham gia lao động trẻ em nguy hiểm. Lao động trẻ em vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%). Gần một phần năm lao động trẻ em làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 17,1%) trong khi 11,9% lao động trẻ em làm việc trong ngành công nghiệp.

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

 

Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Quang Vinh cho rằng: Bộ luật lao động 2012 đưa ra các nguyên tắc, điều kiện chặt về sử dụng lao động chưa thành niên; quy định các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên phù hợp với quy định của Công ước. Tuy nhiên, Bộ luật lao động 2012 mới chỉ đưa ra quy định về thời giờ làm việc đối với người dưới 15 tuổi nói chung mà không có quy định về thời giờ làm việc đối với người dưới 13 tuổi. Không có quy định cụ thể về thời gian làm thêm của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

“Có sự chưa rõ ràng trong việc xác định thế nào là trẻ em em lao động trái pháp luật, trẻ em bị bóc lột sức lao động, trẻ em lao động trước tuổi xuất phát từ sự khác nhau về cách thức tiếp cận giữ quy định của Bộ luật lao động so với quy định của các Công ước. Bộ luật lao động 2012 quy định người lao động là người đủ 15 tuổi trở lên, quy định người lao động chưa thành niên là người dưới 18 tuổi”, ông Vinh nhấn mạnh.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Đối thoại.

 

Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, các chuỗi cung ứng sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ phục vụ hàng triệu người mỗi ngày có nguy cơ tồn tại lao động trẻ em. Doanh nghiệp cần phải chú ý để đảm bảo rằng, chuỗi cung ứng của họ không có lao động trẻ em, nếu không sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng về lao động trẻ em.

Trong khuôn khổ hợp tác với Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam, VCCI xây dựng: Tài liệu hướng dẫn phòng ngừa lao động trẻ em tại nơi làm việc; Quy tắc ứng xử của người sử dụng lao động về phòng ngừa và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em; Tài liệu hướng dẫn giảng viên cho khóa tập huấn doanh nghiệp về phòng ngừa lao động trẻ em.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh