THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:39

Thúc đẩy quyền phụ nữ, trẻ em ngày càng tốt hơn

Phụ nữ và trẻ em phải chịu nhiều hình thức bạo lực

Theo các nghiên cứu của quốc tế và ở Việt Nam chỉ ra rằng: 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng trải nghiệm một hình thức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời của họ, có tới 7/10 phụ nữ phải đối mặt với tình trạng lạm dụng này ở một số nước. Uớc tính rằng, có tới 30 triệu trẻ em gái dưới 15 tuổi vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hủ tục cắt bỏ cơ quan sinh dục và hơn 130 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã từng trải qua hủ tục này trên toàn thế giới. Trên thế giới, hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ, 250 triệu người trong số đó đã kết hôn trước tuổi 15.

Quang cảnh hội thảo

Ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết, họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% gái mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% đã bị cưỡng ép tình dục; 10% phụ nữ có chồng đã bị bạo lực tình dục từ chồng của mình.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” cho thấy, tổng chi phí tiềm năng của bạo lực cho cá nhân, bao gồm chi phí trực tiếp từ tiền túi, mất thu nhập và giá trị của công việc nhà chiếm 1,41% tổng GDP năm 2010. Hơn nữa, phụ nữ bị bạo lực gia đình bị giảm năng suất lao động ở nơi làm việc và tại nhà, dẫn tới tổng thiệt hại thu nhập khoảng 35%. Tổng thiệt hại về năng suất lao động tiềm năng đối với toàn thể nền kinh tế ước tính khoảng 1,78% GDP năm 2010. Tổng cộng, chi phí của bạo lực gia đình và thiệt hại về năng suất lao động chiếm 3,1% GDP Việt Nam năm 2010.

Trong báo cáo mới nhất về nạn buôn người trên toàn thế giới trong năm 2014, Văn phòng Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm và ma túy (UNODC), trên thế giới có khoảng 510 đường dây buôn bán người và ít nhất 152 quốc gia có nạn nhân rơi vào tay các nhóm tội phạm buôn người. Số liệu của Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm cho thấy, tại Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã phát hiện gần 2.000 vụ buôn bán người với hơn 3.800 nạn nhân. Trong đó, trên 85% số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Phòng chống bạo lực dựa trên quyền con người

Tại hội thảo, bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ là một hành vi vi phạm quyền con người, một hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Đây là biểu hiện của quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, nó tồn tại ở tất cả các nước và tác động tới tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ làm suy giảm các quyền con người và tự do cơ bản của phụ nữ, làm hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực, ngăn cản sự phát triển đầy đủ tiềm năng của phụ nữ. Bạo lực đối với phụ nữ là một trở ngại cho sự phát triển kinh tế và xã hội của các cộng đồng và các quốc gia, cũng như các thành tựu của mục tiêu phát triển quốc tế.

Năm 2004, các nước thành viên ASEAN (AMS) đã nhất trí xây dựng Tuyên bố Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong ASEAN. Đến năm 2013, xây dựng Tuyên bố Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN …Đến nay ACWC đang đồng thời triển khai kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (EVAW) và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em (EVAC).

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo,Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Hội nghị cấp cao các nước ASEAN lần thứ 27 diễn ra trong tháng 11, đã thông qua tuyên bố chung của cộng động ASEAN. Một trong những tuyên bố quan trọng của lãnh đạo các nước ASEAN là Kế hoạch  hành động khu vực Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN. Với hai bản kế hoạch được thông qua và công đồng ASEAN trở thành cộng đồng thống nhất thì Việt Nam phải chủ động xây dựng kế hoạch của quốc gia quốc gia trong giai đoạn sắp tới.

Thứ trưởng cho biết thêm, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới việc thực hiện việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam còn rất nhiều điểm đáng quan ngại. Trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế Việt Nam luôn coi trong vấn đề việc làm thế để đảm bảo các quyền của phụ nữ và trẻ em thúc đẩy bình đẳng giới và vấn đề này đã được ghi trong hiến pháp năm 2013. Trong những năm vừa qua rất nhiều lĩnh vực của chính phủ được triển khai nhằm đảm bảo mục tiêu này. “Triển khai xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm sắp tới, ACWC Việt Nam cần xây dựng kế hoạch  phù hợp với khu vực, thế giới nhưng đảm bảo đặc phù hợp với Việt Nam đảm bảo thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em trong thời gian tới” - Thứ trưởng lưu ý.

Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận các lĩnh vực ưu tiên cấp quốc gia thúc đẩy Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em thông qua các cơ chế đa ngành và liên cơ cơ quan nhằm phối hợp việc xây dựng thực hiện và giám sát. Thu thập số liệu hiện hành về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế…

Châu Anh/Lao động Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh