THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:13

Nam giới và cảnh sát cùng giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

 

Sự kiện “Bữa ăn sáng Ruy băng Trắng – Cùng nam giới luận bàn về bạo lực đối với phụ nữ thu hút sự tham gia của 80 đại biểu đến từ các đại sứ quán, lãnh đạo bộ ban ngành Việt Nam, các tổ chức tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức Phi chính phủ, Liên Hợp quốc và cơ quan truyền thông báo chí. Sự kiện này nằm trong Chiến dịch 16 Ngày Hành động Chấm dứt Bạo lực đối với Phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của cảnh sát Úc và Việt Nam nhằm chia sẻ những biện pháp và kinh nghiệm trong ứng phó với Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Theo số liệu khảo sát Quốc gia về Bạo lực gia đình trong năm 2010, có 34% phụ nữ từng kết hôn tại Việt Nam đã từng bị bạo lực thể xác, hoặc bạo lực tình dục từ người chồng, tại một số thời điểm trong đời. 58% cho rằng, họ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần từ bạn đời.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Shoko Ishikawa- Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết “Để ứng phó có hiệu quả đối với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần gắn kết nam giới và trẻ em trai, đặc biệt là lãnh đạo nam trong vận động chính sách bởi hầu hết người đưa ra quyết định trong xã hội và gia đình là nam giới. Nam giới và trẻ em trai không nên trở thành người gây ra bạo lực mà nên là những đối tác, nhân tố thúc đẩy sự thay đổi.

“Chúng ta cần thách thức các chuẩn mực giới bởi các quan niệm truyền thống về nam tính có mối liên hệ mạnh mẽ tới bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” - bà Shoko Ishikawa chia sẻ.

Tại sự kiện, ông Grant Stevens, Tổng tư lệnh Cảnh sát Nam Úc đồng thời là Đại sứ của Chiến dịch Ruy băng Trắng của Úc đã giới thiệu những kết quả và kinh nghiệm thực tế của Cảnh sát Nam Úc (SAPOL) trong việc ứng phó với Bạo lực đối với Phụ nữ. Chiến dịch Ruy băng Trắng của Úc là một phong trào nhằm gắn kết nam giới đứng lên chống lại bạo lực gia đình ở tại quốc gia này.

“Trước hết, cảnh sát nên đảm bảo sự an toàn của nạn nhân và chắc chắn rằng người gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì hành vi của mình.”- ông Grant nhấn mạnh.

Ông Grant cũng chia sẻ thêm, để ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta phải nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là nam giới. Thành tố quan trọng nhất là việc thay đổi nhận thức của lãnh đạo nam.

Thông tin về Chiến dịch Ruy Băng Trắng:

Trên cơ sở tầm nhìn “Tất cả phụ nữ sống an toàn thoát khỏi các hình thức bạo lực của nam giới”, Chiến dịch Ruy băng trắng bắt nguồn từ Nước Úc vào năm 2003 là một hoạt động của tổ chức UNIFEM  (bây giờ là UN Women). Từ đó, chiến dịch đã gắn kết tích cực nam giới như một bước vận động chính sách để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chiến dịch Ruy Băng Trắng thường bắt đầu từ ngày Quốc tế xóa bỏ các hình thức bạo lực đối với Phụ nữ (25/11) đến Ngày Nhân Quyền Quốc Tế (10/12). Chiến dịch Ruy Băng Trắng đồng thời khởi động cho Chiến dịch 16 Ngày Hành động Xóa bỏ Bạo lực đối với phụ nữ do Tổng thư Ký Liên Hợp Quốc Ban-Ki Moon phát động. 

Trong dịp này, Hội LHPN Việt Nam với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động như: Xây dựng Clip truyền thông Nam giới cam kết ứng phó với Bạo lực đối với phụ nữ, Ngày Ruy Băng Trắng cho sự an toàn của những người phụ nữ xung quanh và Cuộc thi ảnh của sinh viên các trường Đại học. Hội LHPNViệt Nam cũng khởi động trang mạng xã hội “Gia đình không bạo lực” nhằm đưa ra những số liệu của Bạo lực gia đình tại Việt Nam. Các số liệu được thu thập qua các chương trình hoạt động của Hội nhằm cung cấp những bằng chứng về bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Châu Anh/Lao động Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh