Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hành động tập thể trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp
- Huyệt vị
- 23:53 - 25/10/2020
Do vậy, cuộc sống của những người phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Nhưng với những công cụ "Cây cân bằng giới", "Sơ đồ sinh kế và sơ đồ liên kết thị trường", "Con đường mơ ước"… những người phụ nữ, những ông chồng đã nhận ra giá trị của mỗi người đóng góp sáng kiến phát triển sản xuất tăng thu nhập cho gia đình, cộng đồng.
"Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn"
Chúng tôi đến với HTX nghêu Thành Công ở ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đúng lúc lớp tập huấn về phương pháp thúc đẩy cân bằng giới thông qua hành động tập thể của Dự án " Cân bằng giới trong chuỗi giá trị nghêu" được diễn ra. Gác lại những công việc ruộng vườn, nhà cửa, các anh đàn ông và các chị phụ nữ sôi nổi bàn bạc đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX mình.
Là một trong những thành viên của HTX Thành Công, chị Đặng Thị Phóng ở ấp Tư cho biết, trước đây những cuộc họp bàn công chuyện làm ăn thường không có các chị em phụ nữ tham gia. Các chị chỉ ở nhà làm những công việc trong gia đình như cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con đi học, còn các công chuyện bàn bạc làm ăn phát triển kinh tế là của các anh đàn ông. Vì vậy trong gia đình người chồng là trụ cột chính trong việc kiếm tiền cũng như quyết định việc chi tiêu, mua sắm những thứ có giá trị trong nhà không cần bàn bạc với vợ con.
"Từ khi phương pháp thúc đẩy cân bằng giới thông qua hành động tập thể - dự án của Oxfam được triển khai ở đây mọi thứ đã thay đổi. Các anh chồng đã biết chia sẻ công việc với vợ, các chị phụ nữ đã chủ động tham gia các cuộc họp cũng như cùng các anh bàn bạc công việc phát triển kinh tế, đưa ra các sáng kiến trong nuôi nghêu, nuôi tôm" – chị Phóng cho biết.
Còn với chị Quảng Thúy Oanh ở ấp Tư cho biết, trước đây những công việc lớn trong gia đình chị không có sự bàn bạc với nhau, mạnh ai người đấy làm vì thế hai vợ chồng thường xuyên cãi vã nhau. Sau những lần như vậy, anh lại tìm đến bia rượu có khi uống cả ngày, thậm chí từ ngày này qua ngày khác. Khi được tham gia các phương pháp tập huấn về thúc đẩy bình đẳng giới, anh chị có cơ hội trao đổi với nhau những bất bình đẳng giới, sự bất hợp lý và thiệt thòi của chị trong phân công lao động, tiếp cận và kiểm soát nguồn lực trong gia đình từ đó chia sẻ những thay đổi tích cực cho cuộc sống của mình, hướng tới gia đình hạnh phúc, bình đẳng về quyền ra quyết định và chi tiêu hợp lý.
"Từ đó anh đã biết chia sẻ công việc với vợ con, đi về thấy vợ làm việc này thì anh "xắn tay" vào làm việc khác. Các công việc từ nhỏ đến to đều có sự bàn bạc thống nhất giữa vợ và chồng mới đi đến quyết định. Vì thế mà gia đình mình ít khi to tiếng với nhau, dù có những vụ tôm thất bại nhưng hai vợ chồng vẫn vui vẻ động viên nhau cố gắng tìm ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm để vụ tôm lần sau được mùa hơn" – chị Oanh chia sẻ.
Đến với gia đình anh Lê Văn Miền và chị Dương Thị Lan ở ấp Tư đúng lúc anh chị đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Trong khi chị đang tất bật với món cá rán, thì ở ngoài vườn anh cũng đang bận rộn hái rau để chuẩn bị cho món nộm tôm chua. Những câu chuyện về vụ tôm năm nay giữa anh và chị trở nên rôm rả hơn khi chị vừa thông báo với anh đã bán được 10 hộp tôm chua do chính tay chị làm.
Anh Miền cho biết, một năm nhà anh đầu tư nuôi 2 vụ tôm thẻ chân trắng, mỗi vụ thả nuôi khoảng 180 con -220/m2, nếu tỷ lệ tôm sống cao, lợi nhuận hàng năm đều đạt từ 200 - 300 triệu đồng. Trừ chi phí ra trung bình mỗi năm gia đình cũng có thu nhập khoảng 400 -500 triệu đồng. Trước đây việc nuôi thả tôm do một mình anh làm, chị Lan chỉ ở nhà cơm nước, nội trợ nhưng từ khi anh chị được tham gia các buổi thực hành thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt nhờ thảo luận sơ đồ kinh tế anh chị đã nhìn thấy được tổng quan các hoạt động tạo thu nhập của gia đình, phân tích đặc điểm của các sinh kế, từ đó hai vợ chồng anh đã cùng nhau bàn bạc thống nhất để chuyển sang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao theo mô hình khép kín.
"Tuy vốn đầu tư ban đầu nhiều như bạt đáy, bạt bờ, giống, quạt sụt khí, lưới phủ kín xung quanh ao nuôi và hệ thống ống tạo ô-xy phục vụ tôm nuôi chi phí đội lên gấp 10 lần so với nuôi tôm công nghiệp thông thường, nhưng bù lại tỷ lệ tôm sống đạt từ 80 - 90% trở lên. Hai vợ chồng đã bàn bạc thống nhất rồi thì ngại gì mà không dám làm" – anh Miền vui vẻ cho hay.
Ngoài ra, chị Lan còn tận dụng nguồn tôm thẻ của gia đình làm tôm chua bán để tăng thu nhập cho gia đình. Sơ đồ thị trường cũng giúp anh chị xác định được các tác nhân trong chuỗi và đầu ra cho sản phẩm của mình, chị đã gửi những hộp tôm chua đi nhiều nơi để giới thiệu sản phẩm.
Thực hiện bình đẳng giới thông qua chuỗi giá trị
Bà Phan Thị Thu Hương - Quản lý Chương trình Bình đẳng giới của tổ chức Oxfam cho biết, mặc dù Việt Nam đã có khung pháp lý mạnh mẽ về bình đẳng giới, tuy nhiên, trên thực tế, phụ nữ vẫn phải đối mặt với rất nhiều định kiến dẫn đến việc họ chưa thể tham gia vào các quyết định kinh tế hay chính trị ở cấp độ gia đình, cộng đồng và quốc gia… Do đó, Oxfam đã triển khai nội dung tăng cường cân bằng giới thông qua thúc đẩy hành động tập thể tại nhiều chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam, trong đó có các HTX nuôi nghêu ở Trà Vinh nhằm tăng cường tiếng nói của người dân, đặc biệt là phụ nữ trong chuỗi giá trị và đời sống cộng đồng để tạo nên sự thay đổi bền vững cho người dân trong quá trình ra quyết định và công bằng giới, từ đó cải thiện hiệu quả kinh tế cũng như năng lực tiếp cận thị trường của người dân.
Phụ nữ sôi nổi đóng góp ý kiến thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Dự án sử dụng phương pháp "Hệ thống học tập và hành động về giới" (gọi tắt GALS) nhằm thúc đẩy cộng đồng tự chủ động quyết định, thay đổi và cùng nhau thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế bền vững và toàn diện, hỗ trợ phong trào bình đẳng giới. Các công cụ được áp dụng chẳng hạn như: Công cụ Cây cân bằng giới giúp các thành viên nam và nữ nhìn nhận rõ vai trò của từng cá nhân trong gia đình và trong HTX, sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân công lao động, khả năm tiếp cận và kiểm soát nguồn lực của nam/ nữ; Sơ đồ sinh kế và sơ đồ liên kết thị trường lại cùng với các thành viên nam, nữ xác định các sản phẩm sinh kế của nhóm, vấn đề bất bình đẳng giới trong tiếp cận thị trường, xác định các chiến lược để gia tăng thu nhập, và gia tăng hiệu quả sản xuất; Hay con đường mơ ước là cách các cá nhân và thành viên HTX bàn bạc; xây dựng kế hoạch tổ nhóm thực hiện sáng kiến sinh kế và thúc đẩy bình đẳng giới; Cây thách thức hành động giới giúp phụ nữ và nam giới tự xác định nguyên nhân của một số vấn đề giới, thảo luận các biện pháp giải quyết vấn đề giới và giải pháp hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua các thách thức giới.
Ông Quảng Quốc Bình – Chủ nhiệm HTX Thành Công cho biết, với quan niệm "chồng tôi, vợ tớ" nên hầu hết mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đều do nam giới làm và phụ nữ chỉ tham gia vào những khâu thứ yếu. Nhưng từ khi được tập huấn các kiến thức về bình đẳng giới, chị em phụ nữ là thành viên của HTX đã chủ động tham gia công việc chung, đóng góp nhiều sáng kiến trong phát triển chăn nuôi thủy sản đóng góp vào phát triển sản xuất HTX. Ban Chủ nhiệm HTX cũng tạo điều kiện khuyến khích chị em tham gia nhiều hơn vào trong các hoạt động phát triển nuôi nghêu cũng như các hoạt động điều hành chung của HTX. Công việc gia đình, việc nuôi tôm, nghêu được vợ chồng bàn bạc chia sẻ với nhau. Các chị đã chủ động tìm hiểu, mở mang kiến thức ngoài xã hội để cùng với chồng phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình.