THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:34

Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới

Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 1.

Dự án "Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam" hướng đến giải quyết nguyên nhân gốc rễ của định kiến giới bằng cách tác động đến hàng triệu người ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của họ về ba định kiến giới sâu sắc.

Dự án diễn ra trong 4 năm từ tháng 4/2020 và triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu dự án gồm: 1.000 thanh niên ở 5 trường đaị học, 20 nhóm thanh niên tại cộng đồng và trong trường đại học ở ba thành phố; giám đốc marketing và giám đốc điều hành (CEO) của 50 doanh nghiệp bao gồm các công ty truyền thông quảng cáo; 100 nhà báo.

Các nghiên cứu của Oxfam đã chỉ ra rằng phim ảnh, các chương trình phát thanh, truyền hình, quảng cáo, truyền thông xã hội, văn hóa đại chúng và trò chơi điện tử… đều thể hiện những khuôn mẫu và định kiến về giới.

Theo nghiên cứu của Oxfam, các quảng cáo về nguyên liệu nấu ăn như nước mắm, nước tương luôn lấy hình ảnh người phụ nữ nấu ăn trong bếp. Chồng và các con chỉ xuất hiện sau đó khi cùng ngồi vào bàn và thưởng thức món ăn, hoặc chơi đùa trong vườn khi người phụ nữ đang nấu nướng.

Nam giới thường xuất hiện trong quảng cáo ôtô, thuốc lá, các sản phẩm kinh doanh và đầu tư, trong khi phụ nữ xuất hiện trong các quảng cáo về mỹ phẩm và đồ gia dụng.

Theo kết quả phân tích cũng cho thấy những định kiến về khả năng lãnh đạo của phụ nữ. Lãnh đạo là nam giới có tần suất xuất hiện trên các bản tin nhiều hơn hẳn nữ giới, với tổng số 2.938 nguồn dẫn, tương đương 85,7%. Trong khi đó, lãnh đạo nữ chỉ được phỏng vấn, trích dẫn 491 lần, tương đương với 14,3% trong tổng số nguồn dẫn.

Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 2.

Lễ khởi động Dự án.

Khuôn mẫu về nam tính của đàn ông cũng được thể hiện rõ nét trên các phương tiện truyền thông, phim ảnh, giải trí.... Nam giới thường được xem là những người mạnh mẽ, quyết đoán và có định hướng, do đó phù hợp với những công việc nhiều áp lực và yêu cầu khả năng ra quyết định nhanh chóng. Phụ nữ, được gán cho thiên chức chăm sóc, được cho là có những đặc điểm mềm mại và phù hợp với những công việc ít cạnh tranh, ổn định, ít áp lực, cho phép họ được vui vẻ và thể hiện sự linh hoạt của mình.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho biết: Những định kiến sai lầm về giới thậm chí ngày càng được củng cố thêm bởi các phương tiện truyền thông và quảng cáo có định kiến về giới. Các nhà lãnh đạo nữ ít được có mặt và đại diện trên các phương tiện thông tin truyền thông. Các quảng cáo thương mại thường gắn phụ nữ với vẻ đẹp hình thể, chăm sóc con cái và nội trợ.

Theo ông Phạm Quang Tú, nhóm mục tiêu của dự án "Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam" là 1.000 thanh niên ở 5 trường đại học, 20 nhóm thanh niên tại cộng đồng và trong trường đại học cở 3 thành phố, giám đốc điều hành của 50 doanh nghiệp...

"Những người thay đổi những định kiến này trong tương lai phải là giới trẻ, các chủ doanh nghiệp và phương tiện truyền thông, quảng cáo. Tham gia dự án các sinh viên đại học và thanh niên tại 3 thành phố lớn sẽ là những người tiên phong thúc đẩy và dẫn dắt những thay đổi trong cộng đồng, từ đó tác động đến cư dân thành thị khác để thay đổi định kiến giới", ông Tú nói.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh