Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2021- 2025
- Dược liệu
- 01:21 - 02/06/2021
Theo đó, Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về hệ thống chính sách xã hội, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế, người nghèo, hộ thuộc diện khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về việc làm, dạy nghề; bảo đảm trên 99% người có công và gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Riêng trong năm 2021, Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, đầu tư, nâng cấp giai đoạn 2 cho cơ sở 2 Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người có công; tổ chức điều dưỡng luân phiên và thường xuyên cho người có công theo quy định...
Cũng theo kế hoạch, tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2021- 2025. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%.
Về chính sách việc làm, dạy nghề, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75%; trung bình hằng năm giải quyết việc làm mới cho trên 16.600 lao động. Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên - Huế nỗ lực phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, phù hợp, đa dạng, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân; nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực nông nghiệp, lao động phi chính thức. Đồng thời làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội; bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Kế hoạch cũng hướng tới việc phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội học tập, chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục mầm non và phổ thông. Mở rộng, tăng cường các chế độ hỗ trợ, nhất là đối với học sinh thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để đảm bảo phổ cập giáo dục bền vững. Thực hiện đồng bộ chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số. Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030; đảm bảo nước sạch, thông tin - truyền thông, văn hóa…