Chính thức thí điểm chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt tại Thừa Thiên Huế
- Dược liệu
- 19:37 - 11/04/2021
Theo đó, trong sáng 9/4 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc đã phối hợp với chính quyền xã, Viettel Thừa Thiên Huế tổ chức thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt tại 2 điểm dịch vụ ViettelPay, xã Vinh Hưng.
Tại buổi chi trả, người thụ hưởng và người nhận thay mang điện thoại có tin nhắn, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để nhận tiền và được cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công chức văn hóa xã và nhân viên của ViettelPay hướng dẫn tận tình.
Ngoài việc nhận tiền trợ giúp xã hội tại các điểm dịch vụ, người dân còn có thể dùng thẻ ViettelPay đã được cấp để rút tiền tại các cây ATM của tất cả các ngân hàng mà không mất phí.
Thanh toán điện tử trong việc thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế nhiều quốc gia đang áp dụng. Thanh toán điện tử sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng và người nhận thay; hỗ trợ kịp thời, tiện lợi và đúng đối tượng và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính công bằng, minh bạch hơn.
Được biết, Thừa Thiên Huế là một trong 3 địa phương được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn thí điểm triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Sau đó, Thừa Thiên Huế đã lựa chọn thị xã Hương Thuỷ và huyện Phú Lộc là những địa phương triển khai trước. Đến nay, công tác mở tài khoản cho các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội theo danh sách hàng tháng và theo hệ thống Mis PosaSoft vẫn đang tiếp tục được 2 địa phương nói trên hoàn thành. Riêng huyện Phú Lộc đã cơ bản hoàn thành việc mở tài khoản ViettelPay cho các đối tượng được lập hồ sơ, với số lượng hơn 5.700 người.
Theo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế, một trong những khó khăn trong triển khai thí điểm mô hình này là các đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội chủ yếu là trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên. Do đó, số đối tượng đủ điều kiện nhận trực tiếp rất thấp mà chủ yếu thông qua người uỷ quyền (chiếm đến 60%). Đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại làm căn cước công dân.
Bên cạnh đó, hiện nay ViettelPay có 4 phương án chi trả, gồm: rút tiền tại các cây ATM, tại các quầy giao dịch của Viettel, tại các đại lý uỷ quyền của Viettel và t các điểm đại lý nhỏ tại xã, phường. Tuy nhiên các điểm đại lý nhỏ tại xã, phương chưa đảm bảo việc rút tiền theo quy định.