THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 12:13

Thừa Thiên Huế triển khai hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19

Thừa Thiên Huế triển khai hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19 - Ảnh 1.

Lao động tự do tại Thừa Thiên Huế được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần

Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ trên phạm vi toàn tỉnh, gồm: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định (các nghề như: bán bánh bao, bánh canh, bánh lọc, bánh tráng, thức ăn vỉa hè; bán rau củ quả, thịt, cá, quần áo, các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày… di chuyển thường xuyên bằng đi bộ, đi xe đạp, xe xích lô, xe ba gác, xe máy; không có địa điểm cố định); người thu gom rác, thu mua phế liệu (trừ chủ đại lý thu mua phế liệu).

Người làm bốc vác tự do tại các chợ, bến xe, nhà ga (không bao gồm người bốc vác làm thuê tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh); người vận chuyển hàng hoá bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động trên địa bàn tỉnh.

Người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú (là người làm việc tại nhà nghỉ, nhà khách, homestay);p tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch (là người làm việc hướng dẫn viên tự do, thợ chụp ảnh lưu động, lái thuyền rồng chở khách).

Đối tượng được hỗ trợ theo quy định để phòng chống dịch trong thời gian từ 1/5/2021 đến 31/12/2021 (thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động từ 14 ngày trở lên theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh).

Đặc biệt, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm một trong những công việc sau: Cắt tóc, gội đầu, trang điểm nhỏ lẻ, đánh giày dép lưu động, sửa chữa giày dép không có địa điểm cố định, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (xoa bóp y học, châm cứu). 

Người tự làm hoặc làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch; tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch.

Người lao động có thể gửi đơn đề nghị hỗ trợ theo hình thức trực tuyến qua ứng dụng Hue-S hoặc qua trang web: hotrocovid19.thuathienhue.gov.vn hoặc trực tiếp gửi đơn đề nghị hỗ trợ tại bộ phận Một cửa cấp xã nơi cư trú.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng sẽ hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù, bao gồm: đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập và hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

Trước đó, ngày 26/8/2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết "Quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh".

Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/hộ/lần. Riêng đối với tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/lần.

Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP tại tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến gần 67,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương dự kiến gàn 13,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 54 tỷ đồng. Riêng nguồn kinh phí dự kiến hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác là hơn 45 tỷ đồng.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh