THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:53

Thừa Thiên Huế: Hơn 45 tỷ đồng hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19

Thừa Thiên Huế: Hơn 45 tỷ đồng hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19 - Ảnh 1.

Lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19 tại Thừa Thiên Huế được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người/lần

Sáng 26/8, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 8, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có Nghị quyết quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch COVID-19 bùng phát đã và đang ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp và việc làm của người lao động. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19.

Riêng đối với nhóm đối tượng thứ 12 là lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Nghị quyết 68 quy định căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ phù hợp.

Để hỗ trợ các đối tượng này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị sử dụng 25% nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác; còn lại 75% ngân sách cấp tỉnh sẽ được bổ sung có mục tiêu từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh và Quỹ dự trữ tài chính cho ngân sách huyện để thực hiện.

Các đối tượng được hỗ trợ, bao gồm: người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa chỉ cố định; người thu gom rác thải, thu mua phế liệu; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe ba gác, xe thô sơ, lái xe ôm truyền thống, xe xích lô chở khách; người bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021, cụ thể: lao động tự do thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong toả, giãn cách xã hội theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; lao động tự làm hoặc làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; người tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc quốc lộ 1A.

Các đối tượng thuộc diện đặc thù được đề nghị hỗ trợ, gồm: đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp ngoài công lập và hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

Mức hỗ trợ theo đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là 1 triệu đồng đối với người lao động, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội. Riêng đối với người lao động tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc quốc lộ 1A bị ảnh hưởng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch, được đề nghị hỗ trợ 2 triệu đồng/lần/người. Phương thức hỗ trợ là 1 lần, với thời gian thực hiện từ 1/5/2021 đến 31/12/2021.

Theo dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NĐ-CP tại Thừa Thiên Huế là gần 67,5 tỷ đồng (ngân sách Trung ương gần 13,5 tỷ đồng, địa phương gần 54 tỷ đồng), trong đó số tiền dùng để hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác là hơn 45 tỷ đồng.

Qua thẩm tra, Ban Văn hoá – Xã hội (HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế) nhận định, việc phân cấp nguồn lực như nêu trên là phù hợp, nhằm chia sẻ ngân sách và phát huy trách nhiệm của các địa phương trong công tác hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thống nhất với UBND tỉnh về đối tượng hỗ trợ, điều kiện, nguyên tắc và mức hỗ trợ. Tuy nhiên, một số đối tượng như "phi nông nghiệp", "tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch" có nội hàm quá rộng, sẽ khó xác định khi thực hiện chi trả. Vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết các đối tượng để giúp cơ sở thuận lợi trong thực hiện.

Ban Văn hoá – Xã hội (HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, xem xét thêm đối tượng hỗ trợ là các điểm kinh doanh bán cà phê, nước giải khát dọc quốc lộ 1A. Do thời gian qua, các điểm này cũng đã dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh