Thừa Thiên Huế: Tìm giải pháp Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025
- Dược liệu
- 22:31 - 26/12/2020
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được xác định là một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển.
Giai đoạn 2016 - 2020, Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, tỉ lệ trẻ em đến trường; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo, hộ cần nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; kết hợp giữa giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo và các chính sách giảm nghèo chung đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm, vượt chỉ tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4,0% vào cuối năm 2020. Đầu giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 8,36%, đến cuối năm 2019 đã giảm xuống 4,17% và cuối năm 2020 giảm còn 3,43%; Bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 0,99%/năm.
Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội do Trung ương và tỉnh ban hành đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống của người nghèo, qua đó góp phần rất lớn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết toàn diện trên các lĩnh vực để cải thiện các chỉ số thiếu hụt về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm xuống còn từ 2,0% đến 2,2%.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm đánh giá toàn diện, phát huy những thành quả đã đạt được, nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020; từ đó định hướng cho giai đoạn 2021-2025, hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đã có 15 tham luận được các Sở, ban ngành liên quan, UBND và Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện gửi đến Hội thảo với mong muốn đóng góp những ý kiến khách quan, thực tiễn và làm sinh động hơn những thành quả đã đạt được, những mặt còn hạn chế trong công tác giảm nghèo giai đoạn vừa qua. Mặt khác, các tham luận cũng đã phân tích tình hình, nêu ra định hướng, tư duy cách làm hiệu quả để đạt hiệu quả tối ưu trong giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo cũng đã thảo luận, thống nhất các nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, hướng đến năm 2030 là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; phát huy các tiềm năng thế mạnh của vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân. Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng, miền gắn với phát triển du lịch, …
Bàn các biện pháp thực hiện, cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phương án cho vay để các hộ nghèo, hộ cần nghèo, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động ở các địa bàn đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất. Đặt biệt vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp tham mưu, tổ chức thực hiện của tổ chức, cá nhân; kiểm tra, hướng dẫn thực hiện…nhằm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một nhiệm vụ nữa của Hội thảo lần này là nhằm thống nhất nội dung Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Phong trào thi đua "Thừa Thiên Huế chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016-2020.