THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:44

Dịch vụ Đô thị Thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu người dân

Dịch vụ Đô thị Thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu người dân - Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ TT&TT tham quan Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị Thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong những năm gần đây, Thừa Thiên Huế được đánh giá là điểm sáng trong triển khai các hoạt động xây dựng đô thị thông minh. Địa phương này đã phối hợp với một số doanh nghiệp như: Viettel, Phi Long, VNPT, Huetronics… xây dựng Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị Thông minh giai đoạn 1. Bước đầu, dịch vụ này đã phát huy hiệu quả trong việc giám sát giao thông, trật tự đô thị, tiếp nhận phản ánh hiện trường, giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công và một số tiện ích khác.

Để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đa dạng và phức tạp về quản lý nhà nước, giám sát, điều hành các nhiệm vụ chuyên môn và cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho toàn xã hội trên một nền tảng thống nhất, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) để tích hợp hệ thống ở mức sâu hơn, toàn diện hơn. Qua đó, đảm bảo khai thác hiệu quả các phần mềm và hệ thống hiện có một cách đồng bộ, đồng thời đưa vào sử dụng thêm hơn 20 dịch vụ và tiện ích mới... Từ hệ thống tích hợp này, quá trình giám sát các hoạt động của đô thị được trực quan hoá trên một nền tảng chung, dữ liệu được quản lý tập trung. Các công nghệ khai phá dữ liệu lớn được ứng dụng để đưa ra các báo cáo số thông minh, xác định xu hướng, dự đoán, dự báo, giúp lãnh đạo địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng thời phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và du khách.

Ngày 30/12/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức khai trương, nâng cấp, bổ sung Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị Thông minh tỉnh. Sau gần một năm triển khai, hiện nay, Trung tâm đã nâng cấp, tích hợp và triển khai thêm được các hợp phần như: giám sát tình hình xử lý văn bản; giám sát tình hình xử lý hồ sơ dịch vụ công; giám sát hoạt động cư trú trên địa bàn; giám sát các phương tiện ra, vào tỉnh; giám sát môi trường nước, môi trường không khí; hệ thống họp thông minh; theo dõi tình hình hoạt động của hệ thống phản ánh hiện tường; quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên toàn tỉnh; theo dõi lượng mưa, mực nước trên sông; giám sát tình trạng ngập lụt; giám sát người ra vào Huế; hỗ trợ phòng chống dịch; nền tảng quản lý camera tập trung và bản đồ số camera; bản đồ số cơ sở y tế, du lịch, giáo dục; hệ thống báo cáo số; hệ thống phân tích, dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hệ thống giám sát thông tin báo chí và mạng xã hội…

Đặc biệt, từ sau khi được nâng cấp và mở rộng, các tiện ích đều đã được đưa lên nền tảng di động, giúp các đối tượng thụ hưởng có thể khai thác hiệu quả, dễ dàng các ứng dụng và dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.

Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai thí điểm thêm được hệ thống báo cáo động theo thời gian thực với nhiều chỉ tiêu được kết nối trực tiếp từ cấp cơ sở qua hệ thống nhập liệu thông minh. Một số mô hình dữ liệu và thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) đã bước đầu được đưa vào thí điểm để mô phỏng, dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, tự động giám sát, phát hiện và cảnh báo hành vi bất thường, các lỗi vi phạm qua hình ảnh camera từ các lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cung cấp dịch vụ hành chính công…

Hệ thống giám sát, dự báo và hỗ trợ phòng chống thiên tai cũng là một hợp phần tạo được điểm nhấn. Ngoài ra, ứng dụng miễn phí "Hue-S" dành cho người dân cũng được bổ sung nhiều tính năng thông minh, hữu ích như cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bản đồ số y tế, giáo dục, giao thông, cảnh báo tắc đường…

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân được tiếp cận các ứng dụng và nhà nước sẵn sàng là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Đô thị thông minh. Hiện nay, trong các dịch vụ Đô thị thông minh cung cấp thì dịch vụ phản ánh hiện trường được người dân hưởng ứng và sử dụng nhiều nhất. Các dịch vụ ứng dụng đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

Để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho toàn hệ thống, Thừa Thiên Huế đã bỏ sung hợp phần giám sát an ninh mạng (SOC) với cơ chế giám sát được chia thành nhiều lớp khác nhau, bảo vệ an toàn trước sự tấn công của tin tặc. Hệ thống SOC này còn kết nối với các cơ quan chuyên trách như Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm hỗ trợ kịp thời nếu phát sinh tình huống nghiêm trọng.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh