THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:14

Thừa Thiên - Huế: Tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, ưu tiên đối tượng chính sách

Thừa Thiên – Huế: tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, ưu tiên đối tượng chính sách - Ảnh 1.

Người dân Thừa Thiên - Huế chung tay chăm lo bữa ăn người thực hiện cách ly tại các khu cách ly y tế theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19

Cụ thể, theo Chỉ thị ngày 13/4 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh sẽ thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2020 của các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ ngành y tế) cấp tỉnh và các huyện, không bao gồm các khoản: Chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các khoản chi đặc thù khác.

Các đơn vị thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, thực hiện nghiêm quy định về chế độ đón tiếp khách nước ngoài, chế độ chi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và chế độ chi tiếp khách trong nước; hạn chế tình trạng phô trương, hình thức, tiếp khách gây lãng phí ngân sách nhà nước. Giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo.

Thực hiện lồng ghép các nội dung, công việc cần xử lý; chuẩn bị kỹ, đầy đủ đúng yêu cầu, nội dung cuộc họp, tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng đại biểu tham dự cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung; tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo điều hành và xử lý các công việc liên quan.

 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu UBND các huyện chủ động rà soát nguồn thu ngân sách, xây dựng phương án điều hành chi ngân sách theo phương châm "Thu giảm, chi giảm".

UBND các cấp thực hiện quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai; không bổ sung ngoài dự toán đầu năm, trừ một số trường hợp đặc biệt cấp bách. Trước mắt, Sở Tài chính chỉ tham mưu UBND tỉnh điều hành, sử dụng dự phòng ngân sách trong phạm vi 50%, tạm giữ lại 50%; UBND cấp huyện điều hành, sử dụng 40% dự phòng ngân sách và tạm giữ lại 60% để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách giảm lớn hoặc chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Liên quan đến gói chính sách an sinh xã hội, ngày 13/4, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu: việc rà soát, thống kê, lập danh sách đối tượng hỗ trợ phải tiến hành gấp rút, cấp phát theo phương thức cuốn chiếu: UBND cấp xã chịu trách nhiệm ra quyết định phê duyệt danh của địa phương mình, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm ra quyết định phê duyệt danh sách của địa phương mình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh chịu trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ việc hỗ trợ.

Thực hiện cấp phát trước cho các nhóm đối tượng người có công cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội (Bưu điện cấp phát tại nhà); khẩu hộ nghèo, khẩu hộ cận nghèo, UBND cấp xã chỉ đạo, phối hợp với chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở thôn, bản, tổ dân phố cấp phát tại nhà. Ngoài các mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, đề nghị Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét cân đối, phân bổ các nguồn hỗ trợ ngoài xã hội hợp lý, phù hợp từng đối tượng để giảm bớt gánh nặng ngân sách.

"Trước mắt phải làm nhanh và ưu tiên cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Nếu trường hợp nào thuộc đối tượng trùng nhiều gói chính sách thì chi trả gói chính sách thấp nhất trước, sau khi xác định cụ thể sẽ bổ sung thêm theo quy định để người dân được tiếp cận gói hỗ trợ một cách sớm nhất", ông Thọ chỉ đạo.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh