THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:59

Thừa Thiên - Huế: Hỗ trợ thêm chi phí cần thiết bảo đảm phòng chống dịch tại cơ sở bảo trợ xã hội công lập

Thừa Thiên – Huế: Hỗ trợ thêm chi phí cần thiết bảo đảm phòng chống dịch tại cơ sở bảo trợ xã hội công lập - Ảnh 1.

Thừa Thiên – Huế đồng ý hỗ trợ thêm chi phí cần thiết nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với các đối tượng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội công lập

Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ngày 10/4, UBND tỉnh này đã ban hành Công văn về việc hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội và chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID - 19.

Tại công văn này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đồng ý hỗ trợ thêm chi phí nuôi dưỡng và các chi phí y tế cần thiết nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với các đối tượng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Đối với cơ sở bảo trợ ngoài công lập, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đồng ý hỗ trợ nước sát khuẩn và in poster hướng dẫn cách phòng chống dịch COVID-19.

Nhằm chuẩn bị triển khai kịp thời, ngay sau khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan thống kê, lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo, người lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp cắt giảm để tổng hợp gửi Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn lực phân bổ, hỗ trợ; đảm bảo triển khai chính sách có hiệu quả.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, song song với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kiên trì để phòng, chống dịch COVID-19, mục tiêu cao nhất vẫn là bảo đảm sức khỏe và tính mạng cho người dân; không để người dân nào bị thiếu đói. Gói hỗ trợ phải được thực hiện rõ ràng, minh bạch, công khai, đến tận tay người dân. Các địa phương phải rà soát để không bỏ sót đối tượng; những đối tượng đã xác minh chính xác rồi thì chi trả trước; những đối tượng không nằm trong các nhóm được hỗ trợ của Chính Phủ do đặc thù riêng của tỉnh thì cần sớm đề suất để có chính sách phù hợp, kịp thời nhất.

"Chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách trong bối cảnh dịch COVID-19 là trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và của toàn xã hội, mọi người hãy cùng chung tay, góp sức, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, phát huy tình người trong mùa dịch", ông Thọ kêu gọi.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, dự ước khoảng 30% số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 do thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị mất việc làm; không buôn bán được; các sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, rớt giá; đặc biệt nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập chủ yếu từ lao động đường phố như buôn bán hàng rong, xe thồ, xích lô... Mặt khác, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn gặp khó khăn, không chỉ ở vùng đô thị mà ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cần có sự hỗ trợ, sẽ chia trong thiên tai, dịch bệnh và thời điểm giáp hạt.

Hiện nay, toàn tỉnh có 12.901 hộ nghèo (36.725 khẩu), 13.994 hộ cận nghèo (48.803 khẩu); tỉnh đang chi trả cho 18.821 người có công hưởng trợ cấp hàng tháng (gồm người có công, thân nhân người có công, người phục vụ TBB nặng).

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên – Huế đang nuôi dưỡng khoảng 750 đối tượng tại 3 trung tâm bảo trợ xã hội công lập. Toàn tỉnh cũng có hàng ngàn đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng.

Trong khi đó, đối tượng nuôi dưỡng ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn trước dịch bệnh do các nhà tài trợ rút hỗ trợ hoặc có hỗ trợ nhưng chỉ đáp ứng 1 phần nhỏ kinh phí.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh