CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:43

Thừa Thiên Huế: Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn

Thừa Thiên Huế sẽ tiến hành sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn

Mục tiêu đề ra là rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN địa phương theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo, gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động nhằm hình thành mạng lưới cơ sở GDNN chất lượng cao, cùng với các cơ sở GDNN của Trung ương và các trường đại học trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh...

Theo đó, trong giai đoạn 2018 – 2020, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung rà soát, sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp và các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Giai đoạn 2021- 2025, tập trung phát triển các trường cao đẳng đào tạo đa cấp trình độ, đa ngành nghề; thu hút đầu tư thành lập cơ sở GDNN chất lượng cao, đào tạo các nghề đạt chuẩn khu vực, ASEAN và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng một số trường chất lượng cao, trường đạt đẳng cấp quốc tế; xúc tiến, thu hút một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đẳng cấp quốc tế vào Việt Nam đầu tư, liên kết đào tạo nghề nghiệp...

Với Đề án này, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2020, mạng lưới GDNN đủ năng lực đào tạo bình quân 19 ngàn người đến 21 ngàn người/năm. Trong đó, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm khoảng 70% và 10% người học trình độ trung cấp trở lên thuộc các ngành, nghề trọng điểm; 80% các cơ sở đào tạo được chuẩn hóa theo các điều kiện quy định về đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN.

Đến năm 2025, mạng lưới đủ năng lực đào tạo bình quân hàng năm khoảng 21 ngàn  đến 23 ngàn người. Trong đó, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng khoảng 60% và 20% người học trình độ trung cấp trở lên thuộc các ngành, nghề trọng điểm; 100% các cơ sở đào tạo được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia trong đó một số tiêu chí tiếp cận trình độ các nước ASEAN và quốc tế.

Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách các huyện, thị xã, thành phố; kinh phí từ Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làmAn toàn lao động. Ngoài ra, kết hợp nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, nguồn thu học phí và hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở GDNN và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra như trên, Đề án mà tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua cũng đã đề ra một số giải pháp, như: quy hoạch; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN; huy động nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa GDNN và gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN...

Theo Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế, trong năm 2018, tỉnh này đã phân bổ tổng kinh phí cho công tác GDNN là 7 tỷ đồng. Theo đó, đã tuyển sinh dạy nghề cho 15.529 lao động, đạt 101,53% kế hoạch, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 của tỉnh đạt trên 62%. Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 2.620 lao động, trong đó 1.894 lao động học nghề phi nông nghiệp và 726 lao động học nghề nông nghiệp.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh