Thừa Thiên Huế phong tặng 4 nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ
- Văn hóa - Giải trí
- 22:27 - 03/11/2022
Theo ông Nguyễn Lương Bảy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và tuyên dương sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 nhằm ghi nhận công lao đóng góp của các nghệ nhân; tôn vinh các nghệ nhân, những người đã đóng góp vào sự phát triển của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống Huế. Đồng thời để động viên, khích lệ, tuyên dương các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được bình chọn công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực trên địa bàn tỉnh.
“Bên cạnh kết quả đạt được, các nghệ nhân tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa trong việc nghiên cứu mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sáng tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ mang đậm bản sắc Huế, văn hoá dân tộc Việt Nam. Các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục mạnh dạn trong việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của các địa phương và giải quyết việc làm trong khu vực nông thôn”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đề nghị.
Đợt này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phong tặng 4 nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ gồm: Nghệ nhân Đặng Viết Bảo (lĩnh vực áo dài), nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (pháp lam), nghệ nhân Lê Văn Trực (nhà rường) và nghệ nhân Trương Hữu Việt (đàn ghita).
Tại buổi lễ, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trao giấy chứng nhận và kỷ niệm chương công nhận 18 sản phẩm của 18 cơ sở đạt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2022.
Phát biểu chúc mừng các Nghệ nhân, ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, công tác xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được các cấp, ngành, địa phương và các cá nhân, tổ chức quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các nghệ nhân đã và đang góp phần không nhỏ vào phát huy các giá trị bản sắc văn hoá Huế. Các cơ sở công nghiệp nông thôn với nhiều sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc sản truyền thống có chất lượng, giá trị sử dụng cao, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước… đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, Thừa Thiên Huế đã công nhận 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống và 6 nghề truyền thống theo các tiêu chí quy định. Gắn với các nghề, làng nghề đó là những nghệ nhân giỏi, những người đã có công xây dựng, truyền nghề cho các thế hệ, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống cũng như việc lưu truyền các tác phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc.
“Các Nghệ nhân, làng nghề đã và đang góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.