Thừa Thiên Huế: Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2025 - 2030
- Giáo dục nghề nghiệp
- 12:51 - 09/03/2022
- Thừa Thiên Huế: Còn gần 9.000 người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 chưa được chi hỗ trợ từ kết dư Quỹ BHTN
- Thừa Thiên Huế tập huấn nâng cao năng lực quản lý về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ cấp huyện và cấp xã
- Thừa Thiên Huế tìm giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ
Ngày 8/3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Viện Khoa học Lao động và Xã hội (đơn vị tư vấn) về dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược được Thừa Thiên Huế phối hợp các đơn vị liên quan tập trung triển khai suốt thời gian qua.
Tại buổi làm việc, dựa trên đánh giá về kết quả thực hiện công tác phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn cho mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các ý kiến tập trung hướng đến phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng nâng cao về chất lượng và số lượng, có cơ cấu hợp lý; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao. Qua đó, đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhanh và bền vững, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Các đại biểu cũng đề xuất các nhóm giải pháp tập trung phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, đề xuất Thừa Thiên Huế xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao…
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, mong muốn đơn vị tư vấn phối hợp chuẩn bị nội dung đề án một cách bao quát về nội dung, bố cục, cách thức thực hiện. Đề án phải đánh giá một cách toàn diện thực trạng nguồn nhân lực, đồng thời cần bám sát số liệu từ các cơ quan, ban, ngành để có cái nhìn khách quan trên tất cả các lĩnh vực. Đề án cũng cần căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có sự đối chiếu số liệu, từ đó đưa ra bức tranh đánh giá một cách chính xác nhất cũng như có đánh giá cụ thể trên các lĩnh vực. Mặt khác cần có sự tính toán, dự ước nguồn lực cụ thể để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, Đề án phải bám sát các cơ sở pháp lý về phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách chung của Trung ương, gắn vào định hướng phát triển theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Bình lưu ý các đơn vị cần có dự báo nguồn lao động chất lượng cao để có cái nhìn tổng thể, chi tiết trong phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng côngnghệ thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị cơ quan soạn thảo nhanh chóng tổng hợp, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định, bổ sung, hoàn chỉnh thống nhất các nội dung Đề án. Với kỳ vọng Đề án sẽ đưa ra mục tiêu và giải pháp thiết thực, sự phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và cho nền kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế một cách bền vững.