Thừa Thiên Huế phát triển nghề công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:24 - 24/03/2023
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phan Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến, việc phát triển công tác xã hội (CTXH) đóng vai trò rất quan trọng. Với CTXH chuyên nghiệp, chúng ta có thể giải quyết hiệu quả vấn đề nghèo đói, các vấn đề xã hội, công bằng và bất bình đẳng xã hội và những vấn đề xã hội ngày càng phức tạp khác. Sự ra đời của Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển CTXH ở Việt Nam.
“Chính sách an sinh xã hội chăm lo cho người dân vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài và là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Chăm lo cho các đối tượng yếu thế, những người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình cảm của mỗi người Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy, những tấm gương giữa đời thường, những việc làm tốt cho xã hội, cho cộng đồng sẽ cần tiếp tục được nhân lên nhiều hơn nữa, hướng tới một xã hội tốt đẹp, giàu giá trị đạo đức, phát triển phồn thịnh”, bà Nguyệt nhấn mạnh.
Ông Hồ Quang Minh - Trưởng phòng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sau khi Đề án 32 ra đời, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm làm cơ sở để các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã quyết định thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác Xã hội, nay là Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH. Trung tâm có chức năng tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội; phát triển dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện; phát triển nghề Công tác xã hội.
Các cơ sở giáo dục tại Huế đã đào tạo được 259 người hệ Đại học và 169 người hệ Cao đẳng ngành CTXH. Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế mở 3 lớp liên thông từ trung cấp lên cao đẳng nghề công tác xã hội với 120 học viên…Hàng năm tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản, nâng cao về CTXH cho hàng nghìn lượt cán bộ cơ sở, các ban, ngành đoàn thể, cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng…Công tác tuyên truyền, phổ biến về Đề án phát triển CTXH được tổ chức thường xuyên, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban đồng ý cho phép thí điểm tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện vào sống tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em.Hiện nay đã có hơn 26 người cao tuổi tự nguyện đóng kinh phí vào sống ở Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 và Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 cũng đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tại hội thảo cũng chỉ ra rằng, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH còn mỏng và còn thiếu chuyên nghiệp; thiếu đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng. Công tác đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở/đơn vị sử dụng nguồn nhân lực công tác xã hội được đào tạo. Trong giai đoạn tới, ngành LĐTB&XH cùng các sở ban, ngành liên quan phối hợp với các trường có đào tạo CTXH chuyên nghiệp tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp các sinh viên tham gia thực tập tại các cơ sở bảo trợ xã hội, các hoạt động CTXH tại cộng đồng…
Các đơn vị, cơ sở CTXH cần phát huy hơn nữa vai trò "kết nối" chính sách trợ giúp xã hội đến với cá nhân, nhóm, cộng đồng gặp khó khăn. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về CTXH; phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn để ngăn ngừa, trợ giúp và phục hồi cho cá nhân, nhóm, cộng đồng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đánh giá, kịp thời tham mưu hỗ trợ đột xuất khi cộng đồng xảy ra thiên tai, thảm hoạ. Vận động các nguồn lực để gúp đỡ cho các đối tượng yếu thế, tổ chức các mô hình trợ giúp, hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các cấp, các ngành, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, hiện đại và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
“Nghề CTXH đang ngày càng được nhiều người quan tâm và hiện đã trở thành một bộ phận không thể thiếu, nhất là trong bệnh viện, trường học, trại giam, các cơ sở trợ giúp xã hội và đặc biệt tại cộng đồng”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.