CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:08

Thừa Thiên Huế: Nâng cao chất lượng lao động thông qua giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Đề án Phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Đề án Phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

Chiều 30/11/2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Đề án Phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Đề án Phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 – 2020 đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đã được tổ chức triển khai một cách hiệu quả. Trong giai đoạn này, đã có nhiều kế hoạch, chương trình, đề án, dự án và các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng là người khuyết tật, thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, lao động thuộc các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường,….được ban hành và đi vào thực tiễn.

Với vai trò cơ quan thường trực triển khai Đề án, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các Sở, ban ngành, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về dạy nghề. Tổ chức thành công Ngày hội Tuyển sinh học nghề, tuyển dụng lao động và tiến hành xuất bản Bản tin Giáo dục nghề nghiệp và Thị trường lao động.

Giai đoạn 2011-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, sắp xếp và nâng cao chất lượng mạng lưới GDNN trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 36 cơ sở đào tạo nghề nghiệp; trong đó, có 9 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 3 Trung tâm GDNN, 9 trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện và 11 cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên GDNN không ngừng được cải thiện về cả số lượng lẫn chất lượng, với 1.322 nhà giáo trong các cơ sở GDNN, 383 cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN trên địa bàn.

Đến cuối năm 2020, đã có trên 200 nghề được đào tạo tại các cơ sở GDNN trên địa bàn Thừa Thiên Huế, gồm các nhóm nghề chủ yếu, như: kỹ thuật, công nghiệp; xây dựng, giao thông; nghề may - thiết kế thời trang; công nghệ thông tin; du lịch, dịch vụ; văn hóa nghệ thuật; kinh tế, tài chính, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật: nghề y tế, chăm sóc sức khỏe; nghề nông nghiệp; thủ công mỹ nghệ; nhóm nghề thể dục thể thao. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có 5 trường thuộc địa phương được phê duyệt các nghề trọng điểm trình độ quốc tế, trình độ Asean và trình độ quốc gia.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng đã tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy và học, phát triển giáo trình; gắn đào tạo nghề với thị trường lao động và doanh nghiệp; tổ chức và cử đội ngũ giáo viên tham gia các kỳ hội giảng giáo viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc,…Từ đó, chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN có bước chuyển biến tích cực. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng cung sang hướng cầu, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyển sinh 155.355 người, trong đó có: 20.333 sinh viên cao đẳng, 18.459 học sinh trung cấp và 116.563 học viên sơ cấp và dưới 3 tháng. Hầu hết các học viên sau đào tạo đều tìm được việc làm và có thu nhập ổn định, bảo đảm đời sống.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đổi mới GDNN xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động, thực tiễn kinh tế - xã hội, thực tiễn các vùng, miền và nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới để xác định những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình phù hợp. Quá trình phát triển GDNN phải đặc biệt coi trọng chất lượng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa đào tạo đại trà, diện rộng và đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao. Tỉnh cũng sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển GDNN, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong phát triển GDNN. Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo là phải gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp và phải có cơ cở pháp lý cho sự gắn kết này. Quá trình phát triển GDNN phải bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác GDNN và đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác GDNN và đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Song song với đó, Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai tích cực và mạnh mẽ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010-2020. Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về đào tạo nghề, phát triển nhân lực nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Người dân nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm chuyển đổi nghề nghiệp; học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất, thu nhập cao hơn. Các địa phương ngày càng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trong 10 năm qua, Thừa Thiên Huế đã đào tạo nghề cho 34.171 lao động nông thôn, trong đó: nghề nông nghiệp là 8.545 người (chiếm tỷ lệ 25%), phi nông nghiệp là 25.626 người (chiếm tỷ lệ 75%). Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và nông thôn; từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, tác phong làm việc của của người lao động theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp. Sau học nghề người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm dần khoản cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị; đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định tình hình trật tự - xã hội của địa phương.

Nhiều mô hình gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đã phát huy hiệu quả tích cực, các sản phẩm từ mô hình được thị trường chấp nhận, mang lại giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi cá nước lợ, nước ngọt (huyện Phú Vang), mô hình đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 cho ngư dân trong tỉnh. Qua đánh giá, các mô hình: dạy nghề may công nghiệp theo chương trình đào tạo của các doanh nghiệp; mô hình dạy nghề trồng nấm rau sạch, trồng nấm Linh Chi...là những mô hình khá hiệu quả và có thể nhân rộng trong thời gian tới.

Giai đoạn 2021 – 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đào tạo trên 15 ngàn lao động nông thôn, trong đó có 2 ngàn lao động nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 80%) và 10 ngàn lao động phi nông nghiệp.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh