THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:47

Thừa Thiên – Huế: Lính biên phòng làm cha nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Thừa Thiên – Huế: Lính biên phòng làm cha nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - Ảnh 1.

Lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng" tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Ảnh: Võ Tiến

Ngày 12/12, Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt và Hồng Vân, (Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế) đã tổ chức Lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng".

Tại buổi lễ, đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã nhận nuôi em Lê Văn Thìn, người dân tộc Tà Ôi (sinh năm 2009, trú tại thôn Pa Ris – Ka Vin, xã A Đớt, huyện A Lưới); Đồn Hồng Vân nhận cháu Lê Phi Lăng, người dân tộc Pa Cô (sinh năm 2011, trú tại thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) làm "Con nuôi đồn Biên phòng".

Sau lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng", các cháu sẽ được các đơn vị bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập và được cán bộ trực tiếp đưa đón các cháu đi học và chỉ dạy các cháu từ văn hóa cư xử, giao tiếp hằng ngày đến nền nếp thực hiện nội quy quy định của đơn vị, như học tập, rèn luyện nâng cao thể lực, sức khỏe... Từ đó, giúp các em nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập.

Theo kế hoạch, các đơn vị nói trên sẽ nhận nuôi hai cháu học hết 9. Sau đó các cháu sẽ tiếp tục được nhận đỡ đầu theo chương trình ''Nâng bước em tới trường'' và hỗ trợ học hết lớp 12 bằng nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện đóng góp hỗ trợ cho các cháu.

Ông Lê Văn Mỹ, (bố đẻ của em Lê Văn Thìn) chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bản thân tôi trước đây bị tai biến dẫn đến liệt nữa người, nên hiện không làm được việc gì. Cuộc sống hàng ngày chỉ có mình vợ tôi lo, phải chạy ăn từng bữa chứ nói gì đến chuyện cho con cái đi học. Trong thời gian qua, gia đình tôi đã được Đồn biên phòng giúp đỡ nhiều, giờ lại nhận con tôi làm con nuôi nữa, thực sự tôi ko biết cảm ơn như thế nào cho hết."

Ông Hồ Văn Rao, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện A Lưới cho biết: Trong thời gian qua, lực lượng bộ đội biên phòng không những giữ vững an ninh trật tự để bà con yên tâm sản xuất mà còn có nhiều việc làm thiết thực, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bây giờ lại có mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng", một mô hình thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp đỡ những em học sinh đặc biệt khó khăn có điều kiện ăn học, nâng cao dân trí.

Em Lê Văn Thìn tại nơi ở mới

Em Lê Văn Thìn tại nơi ở mới. Ảnh: Võ Tiến

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế, trong thời gian qua, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và nhà trường thực hiện nhiều chương trình, mô hình, cách làm hay nhằm giúp đỡ người dân, như: "Tổ tự quản đường biên, mốc Quốc giới"; "Đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới"; các mô hình "Hũ gạo tình thương", "Ngôi nhà xanh tiếp sức đến trường"; các chương trình "Nâng bước em đến trường"; "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương"; "giúp đỡ xã nghèo, huyện nghèo"...góp phần thực hiện có hiệu quả Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện A Lưới, với chương trình "Nâng bước em đến trường"; Bộ đội biên phòng giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn mỗi cháu 500.000 đồng/1 tháng để các cháu mua sắm dụng cụ học tập...Hiện nay trên địa bàn huyện, Bộ Chỉ huy và 4 Đồn Biên phòng tuyến núi đã nhận đỡ đầu cho 40 cháu.

Với mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng", các đơn vị nói trên được cấp trên chỉ đạo nhận nuôi 2 cháu để làm điểm sau, đó nhân rộng trong toàn tỉnh.

"Mô hình này không phải là tổ chức nhận con nuôi theo thủ tục pháp lý hay phong tục, tập quán của địa phương, mà đây là một chương trình an sinh xã hội mang tính nhân văn, thể hiện lòng tri ân của Bộ đội biên phòng tỉnh đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới đã cưu mang, giúp đỡ lực lượng biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong những năm qua", lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế khẳng định.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh