Thừa Thiên Huế khẩn trương dập dịch lở mồm long móng ở đàn bò giống Chương trình 1719
- Y học 360
- 08:33 - 22/12/2023
Gia đình chị Trần Thị Tố Nữ (28 tuổi, người Pa Cô, trú tại thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) thuộc diện hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số. Do nhà đông người, đất sản xuất ít, lao động tự do, công việc không ổn định nên thu nhập của cả 2 vợ chồng chị Nữ rất bấp bênh, trong khi đang nuôi 2 con nhỏ.
Cuối tháng 11, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò giống để phát triển sinh kế theo Chương trình 1719. Tuy nhiên, khi mới nhận bò về nuôi được 2 ngày, cả 2 con bò của gia đình chị Nữ phát bệnh LMLM. “Khi phát hiện bò bị bệnh, gia đình đã kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương. Được sự giúp đỡ của bác sĩ thú ý, gia đình đã tập trung chữa trị và khoảng 1 tuần thì bò hết bệnh”, chị Nữ cho biết.
Được biết, gia đình chị Nữ là một trong 18 hộ tại xã Hồng Bắc được nhận bò giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế theo Chương trình 1719 đợt này. Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Viết Cường, Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc cho biết, dịch LMLM trên đàn gia súc được ghi nhận tại địa bàn xã từ ngày 2/12/2023, bắt nguồn từ những gia đình nhận bò giống Chương trình 1719.
Từ khi dịch LMLM xảy ra đến nay, địa bàn xã Hồng Bắc có 18 con bò bị mắc bệnh, trong đó có 16 con bò giống thuộc Chương trình 1719. Tính đến ngày 19/12, địa phương này vẫn còn 5 con đang mắc bệnh. “Sau khi dịch bệnh xảy ra, xã đã phối hợp với cơ quan thú y huyện A Lưới xử lý, dập dịch. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những hộ có gia súc bị bệnh LMLM thực hiện cách ly vật nuôi. Mặt khác, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện A Lưới cũng cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ điều trị giúp người dân. Xã cũng đã tăng cường công tác tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc của người dân trên địa bàn (toàn xã có 786 con). Đây là biện pháp căn cơ nhất để dập dịch và Hồng Bắc đã thực hiện tiêm cho gần như toàn bộ đàn gia súc. Ngoài ra, xã tiếp nhận hóa chất để cấp phát, đồng thời hướng dẫn người dân xử lý tiêu độc khử trùng”, ông Cường cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ tại địa bàn xã Hồng Bắc, dịch bệnh LMLM còn xảy ra ở nhiều địa phương của huyện A Lưới. Xã Hồng Trung cũng ghi nhận tình trạng tương tự, trong đó có 20 con bò giống từ Chương trình 1719 vừa nhận đều mắc bệnh. Số liệu từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện A Lưới cho thấy, tính đến ngày 19/12, địa bàn huyện A Lưới có 112 con trâu, bò mắc bệnh LMLM của 51 hộ chăn nuôi tại 7 xã: Hồng Thượng, Lâm Đớt, A Roàng, Hồng Bắc, Trung Sơn, Hồng Vân, Hồng Thủy.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới (chủ đầu tư Dự án cấp bò Chương trình 1719) cho biết, vào cuối tháng 11, trung tâm làm chủ đầu tư nhập vào 140 con bò giống để hỗ trợ cho Chương trình 1719 từ nguồn vốn năm 2022 chuyển qua. Đơn vị trúng thầu cung ứng giống là 1 doanh nghiệp ở Gia Lai, theo hình thức đấu thầu trên mạng, với tổng vốn hơn 1,7 tỷ đồng. Bò sau khi nhập về A Lưới đã được nuôi cách ly, theo dõi đúng thời gian quy định trước khi cấp về cho các hộ dân thuộc diện thụ hưởng để chăn nuôi.
“Sau một thời gian ngắn đưa về chăn nuôi, người dân phát hiện bệnh LMLM ở một số con bò. Nguyên nhân xuất phát từ bò giống mới nhập về hay nguồn tồn dư từ địa phương hiện đang được chủ đầu tư, cơ quan thú y làm rõ. Ngay khi phát hiện sự việc, chủ đầu tư đã liên hệ với đơn vị cung ứng giống. Doanh nghiệp này đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để điều trị dứt điểm, đến nay cơ bản khống chế được dịch”, ông Phú cho hay.
A Lưới là 1 trong 74 huyện nghèo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là huyện miền núi với đa phần người dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều sinh sống. Thời gian vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung rất nhiều nguồn lực, nhất là nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình 1719 đầu tư giúp A Lưới thoát huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023. Mặt khác, A Lưới còn có tổng đàn gia súc lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thương hiệu bò A Lưới đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực miền Trung, đồng thời dần tiến vào các tỉnh phía Nam. Do đó, việc sớm khống chế đợt dịch LMLM rất quan trọng.
Theo ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, thời điểm này đang là mùa dịch bệnh LMLM, kết hợp với tụ huyết trùng, phổi gây nguy cơ thất thoát đàn gia súc của huyện. Do đó, UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp khoang vùng, dập dịch, điều trị cho những con bị bệnh, tăng cường công tác tiêm vaccine phòng bệnh.
“A Lưới phấn đấu tiêm vaccine phòng bệnh đạt 95% tổng đàn gia súc trong thời giam sớm nhất để cơ bản khống chế dịch bệnh. Với các chương trình, dự án hỗ trợ con giống cho người dân sau này, huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ đầu vào để làm sao bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh tình trạng lây lan dịch bệnh cho đàn trâu, bò của huyện”, ông Ngưm khẳng định.
Trong khi đó, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ Chương trình 1719) xác nhận đã nắm được tình hình và thành lập đoàn, phối hợp với huyện A Lưới cùng các đơn vị liên quan kiểm tra sự việc. Phía đơn vị cung ứng giống cũng cam kết hỗ trợ công tác điều trị, đồng thời do đang trong thời hạn bảo hành nên đối với những con bò giống bị chết do dịch bệnh sẽ có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân.