CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:06

Thừa Thiên - Huế: Hơn 10.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2025

Thừa Thiên – Huế: Hơn 10.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2025 - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với Đại học Huế và các ngành về đào tạo nguồn nhân lực CNTT

Ngày 14/3, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có buổi làm việc với trường Đại học Huế và các Sở, ngành về công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Thừa Thiên - Huế xác định, lấy phát triển công nghiệp CNTT và gia công xuất khẩu phần mềm làm một mũi nhọn phát triển. Thời gian qua, địa phương đã rất chú trọng đến việc phát triển lĩnh vực CNTT. Theo đó, tỉnh đã chuẩn bị một số cơ sở nhà đất ngay tại trung tâm thành phố Huế và quy hoạch quỹ đất khoảng 30-40 ha làm khu đô thị sáng tạo, sẵn sàng khởi động khu phần mềm tập trung trong hiện tại và định hướng phát triển lâu dài.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương có thuận lợi là trung tâm đào tạo đại học, cao đẳng lớn thứ 3 của cả nước, có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành CNTT. Hàng năm có khoảng 300-400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT.

Hiện nay, Thừa Thiên – Huế cũng đang chú trọng đẩy mạnh xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Tháng 5/2019, Trung tâm điều hành thông minh tại Thừa Thiên - Huế đã vinh dự được trao giải thưởng viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019 ở hạng mục 'Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á'.

Ngày 28/12/2019, Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế (HueCIT) cũng đã được kết nạp vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là cơ hội lớn cho tỉnh Thừa Thiên - Huế có thể tiếp cận, hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trong phát triển CNTT.

Để có nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao phục vụ các mục tiêu phát triển của tỉnh, Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực CNTT làm việc tại Huế; đến năm 2025 có hơn 10.000 lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT phục vụ nhu cầu phát triển CNTT của Tỉnh.

Theo khảo sát nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn của Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế, có 85% sinh viên học ngành CNTT cho rằng cơ hội tìm được việc làm là cao và rất cao. Qua đó, có thể nhận định tương lai ngành CNTT có xu hướng phát triển mạnh vì số lượng sinh viên, học sinh cho rằng cơ hội việc làm ngành này cao.

Được biết, từ năm 2019, các trường đại học thuộc Đại học Huế đang đào tạo 7 chuyên ngành trong lĩnh vực CNTT, 5 chuyên ngành CNTT đào tạo Thạc sĩ và đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành khoa học máy tính. Kế hoạch giai đoạn 2020-2025, dự kiến tuyển sinh trên 10 nghìn sinh viên với hơn 10 chuyên ngành đào tạo chính về CNTT; ngoài ra sẽ thực hiện phối hợp đào tạo ngắn hạn 5 ngành với các đối tác ký kết hợp tác với Đại học Huế.

Về nguồn lực đào tạo, Đại học Huế có đội ngũ giảng viên đảm bảo chất lượng cao; cơ sở vật chất đạt chuẩn và đang tiếp tục được đầu tư với nhiều chương trình, dự án phát triển hạ tầng CNTT. Đại học Huế cũng đang hợp tác rất tốt với hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ (trên 100 trường Đại học nổi tiếng trên thế giới về CNTT) cũng như hợp tác tốt với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước về đào tạo CNTT; cùng với nhiều chính sách học bổng thu hút sinh viên vào học các ngành thuộc lĩnh vực CNTT...

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế khẳng định Đại học Huế sẽ tập trung, thống nhất nguồn lực chung để đào tạo nguồn nhân lực ngành CNTT; mạnh dạn đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp; ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp CNTT hợp tác trong đào tạo cũng như phát triển kinh doanh trong lĩnh vực CNTT.

Thừa Thiên – Huế: Hơn 10.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2025 - Ảnh 2.

Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu một trong 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về công nghiệp CNTT

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, địa phương đang rất cần nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao để phục vụ các mục tiêu phát triển của tỉnh. Vì vậy, ông Thọ cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và có sự kết hợp hài hòa giữa cung và cầu trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Mặt khác, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ cho việc phát triển nguồn nhân lực CNTT trong thời gian tới.

"Quan điểm của tỉnh là thực hiện "Đồng bộ - Kiên trì - Quyết liệt" và phát triển hệ sinh thái CNTT gắn với 3 trụ cột chính là "chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp". Giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung cho vấn đề này nhằm phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, chuyên nghiệp, đảm bảo mục tiêu đến 2025 Thừa Thiên - Huế là một trong 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về công nghiệp CNTT theo Đề án phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh", ông Thọ khẳng định.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh