Các doanh nghiệp Nhật Bản 'săn' nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam
- Bài thuốc hay
- 14:00 - 30/08/2018
Đó là chưa kể làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp CNTT Nhật Bản tại Việt Nam đang cần một số lượng lớn nhân lực CNTT Việt Nam. Để bù đắp nguồn nhân lực CNTT đang bị thiếu hụt, các kỹ sư CNTT của Việt Nam là một trong những đích ngắm của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Các kỹ sư CNTT Việt Nam đang được doanh nghiệp Nhật Bản săn đón.
Theo điều tra về xu hướng sử dụng truyền thông 2017 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, việc ứng dụng AI tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như IoT, AI, Robotics, xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh. Trong khi nhân lực CNTT ở Nhật đang thiếu hụt khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư và 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới vào năm 2020.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng nhu cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới. “Nhật Bản xác định Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng để đầu tư cũng như thu hút nhân lực CNTT của Việt Nam đầu tư tại Nhật Bản. Hiện Nhật Bản đã đầu tư 54 dự án thuộc lĩnh vực CNTT, chiếm 19,6% tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam và làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới”, ông Hironobu Kitagawa cho biết.
Theo đánh giá của HackerRank (Mỹ), Việt Nam là đất nước có tiềm năng về phát triển phần mềm xếp thứ 1 ở Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên toàn thế giới.
Theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC), nhân lực luôn là thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) do OECD nghiên cứu, kết quả học tập của học sinh Việt Nam nằm trong Top 20 và đặc biệt giỏi về toán và khoa học. Đây cũng chính là nền tảng cho giáo dục đại học về công nghệ. Hiện tại Việt Nam có 290 trường đại học và cao đẳng cung cấp đào tạo CNTT và có khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hàng năm.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, trong lĩnh vực TT&TT, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã liên tục được thúc đẩy cả ở cấp độ cơ quan quản lý cũng như cấp độ doanh nghiệp với vai trò cầu nối tích cực của các Hội/Hiệp hội CNTT hai quốc gia.
Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỉ trọng lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng mong rằng các doanh nghiệp CNTT sẽ tham gia và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ TT&TT trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
“Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban và nhiều Bộ trưởng các Bộ là Ủy viên Ủy ban quan trọng này. Bộ TT&TT cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia, sẽ trình phê duyệt và thực hiện trong thời gian tới để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng thông tin.