THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:05

Thừa Thiên Huế hỗ trợ tuyển dụng và kết nối việc làm cho người lao động

Hội nghị Hỗ trợ tuyển dụng và kết nối việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức

Hội nghị Hỗ trợ tuyển dụng và kết nối việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 để thể hiện vai trò đầu mối về giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Trung tâm đã phối hợp tuyên truyền, kết nối cung - cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm phù hợp, hỗ trợ tuyển dụng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 30 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, với hơn 9.300 vị trí việc làm, trong đó 25 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong tỉnh. Bên cạnh đó, 7 đơn vị có chức năng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc cần tuyển dụng khoảng 1.000 người đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức,…với các ngành nghề, như: Sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng, thuỷ sản, điều dưỡng, hộ lý.

Từ tháng 5/2021 đến nay, các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế đã tuyển dụng vào làm việc trên 4.200 lao động, trong đó hơn 300 lao động từ ngoài tỉnh trở về địa phương.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện có khoảng 9.791 lao động có nhu cầu tìm việc làm, học nghề. Ông Thông cho biết, sau khi nhận được danh sách lao động có nhu cầu việc làm, học nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức liên hệ trực tiếp với người lao động qua điện thoại nhằm nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, từ đó tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. Tuy nhiên một số lao động vẫn còn tâm lý e dè, chờ đợi, chưa có quyết định tham gia thị trường lao động trở lại, nhất là các lao động trẻ.

Thời gian tới, để hỗ trợ tuyển dụng và tạo việc làm cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn chuyên sâu về việc làm và học nghề; duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định và chuyên đề, lưu động bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Xây dựng phần mềm kết nối việc làm chạy trên thiết bị thông minh gắn với úng dụng HueS để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin việc làm, học nghề,…

Đối với người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về quê hương tránh dịch, Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên quan tâm kết nối việc làm, chuyển đổi nghề để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Hoạt động hỗ trợ người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế

Hoạt động hỗ trợ người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng công tác kết nối, thông tin giữa "3 nhà" cần tăng cường thực hiện; vai trò của chính quyền địa phương, cơ sở cũng phải tích cực đi sâu đi sát, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", là cánh tay nối dài trong công tác kết nối lao động với doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cần có những gói hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lại, tăng các chính sách và có những chính sách riêng để thu hút, giữ chân người lao động trở về từ các vùng dịch, để có thể cạnh tranh nguồn lao động với doanh nghiệp ngoại tỉnh đang "khát" và ra nhiều chính sách hấp dẫn để lôi kéo lao động quay trở lại làm việc.

Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cung cấp danh sách cụ thể, chi tiết về số lượng, trình độ tay nghề, nhu cầu việc làm, nguyện vọng của lao động trở về quê để doanh nghiệp thuận tiện khai thác, tiếp cận, tư vấn tuyển dụng. Nhà nước cũng cần quan tâm ưu tiên tiêm vaccine để người lao động tham gia xuất khẩu lao động,…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, công tác hỗ trợ tuyển dụng, kết nối việc làm cho người lao động là rất quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Thời gian qua,  UBND tỉnh, Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu việc làm, học nghề của người lao động, đặc biệt là lao động trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo ông Phước, hiện nay, qua khảo sát cho thấy nhu cầu tuyển dụng là rất lớn; đồng thời giải quyết việc làm cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ hết sức bức thiết. Vì vậy, cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phòng LĐ-TB&XH các huyện, các xã, phường, thị trấn cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động. Mặt khác, cần tiếp tục rà soát, thống kê nguồn lao động có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề; rà soát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, cung cấp thông tin rộng rãi trên các phương tiện để người dân nắm bắt. Tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động kết nối để tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.

THẢO VI

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh