THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:22

Thừa Thiên Huế bám sát cơ sở để hỗ trợ đúng, kịp thời cho đối tượng chịu ảnh hưởng Covid-19

Thừa Thiên Huế tổ chức đón các đối tượng yếu thế đang sinh sống, làm ăn tại các tỉnh thành phía Nam gặp khó khăn do Covid-19 về quê

Thừa Thiên Huế tổ chức đón các đối tượng yếu thế đang sinh sống, làm ăn tại các tỉnh thành phía Nam gặp khó khăn do Covid-19 về quê

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do dịch Covid-19; Nghị quyết số 116 ngày 24/9/2021 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách của tỉnh như Nghị quyết 84 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cho NLĐ không có giao kết hợp đồng LĐ (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, đa phần các chính sách hỗ trợ đã được triển khai nhanh chóng kịp thời. Các chính sách như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và NLĐ là hướng dẫn viên du lịch; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1... được thực hiện chi hỗ trợ đến các đối tượng kịp thời ngay sau khi có quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh.

Tính đến ngày 14/10/2021, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 118.907 người, với tổng kinh phí 49,185 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Bảo hiểm xã hội, ngân hàng CSXH chi hỗ trợ cho 113.387 người, với kinh phí 38,127 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương (60%) và tỉnh (40%) gồm 1.388 người, với kinh phí 4,86 tỷ đồng. 100% nguồn ngân sách tỉnh (theo Nghị quyết 84) đã chi hỗ trợ cho 4.132 NLĐ tự do và một số đối tượng đặc thù khác, với kinh phí 6,2 tỷ đồng.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 116, Quyết định 28 về chính sách giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang được tích cực triển khai. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 3.414 đơn vị đang tham gia BHTN; 109.476 lao động đang tham gia BHTN. Dự kiến, sẽ có 2.363 đơn vị dự kiến được giảm mức đóng BHTN với 73.522 NLĐ được giảm mức đóng BHTN, số tiền giảm đóng BHTN khoảng 40,041 tỷ đồng (hiện đang thực hiện giảm mức đóng theo từng tháng). Về chính sách hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, có 3.300 người đã được hỗ trợ với tổng số tiền 7,924 tỷ đồng.

Bên cạnh tích cực thực hiện các chính sách của Trung ương, địa phương, thời gian qua, Thừa Thiên Huế còn đặc biệt quan tâm, kêu gọi sự đóng góp từ các nguồn lực để hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế ở các tỉnh, thành phố gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.Từ khi dịch bùng phát mạnh đến nay, Thừa Thiên Huế đã tổ chức thực hiện 5 đợt đón, tiếp nhận công dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trở về với số lượng 1.681 người gặp khó khăn như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị ốm đau, bệnh tật, mất việc làm.

Thừa Thiên Huế cũng đã kịp thời hỗ trợ người dân ở các tỉnh, thành phố (đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như hộ nghèo, người già neo đơn, LĐ mất việc làm giảm sâu thu nhập, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người bệnh tật… với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động xã hội hóa. Đến nay, đã có 8.052 hộ được nhận hỗ trợ với tổng số tiền 8,052 tỷ đồng.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 2 tháng triển khai các gói hỗ trợ, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn, tồn tại, như: việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề để duy trì việc làm cho NLĐ do chưa phát sinh số liệu; chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất còn khiêm tốn… Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đáp ứng đủ các điều kiện được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh về cơ bản đang được kiểm soát, nên đối tượng đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ còn khiêm tốn.

Trong thời gian tới, để người dân, NLĐ và doanh nghiệp, cơ sở biết, tiếp cận hưởng các gói chính sách hỗ trợ, Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng các quy định về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh. Chú trọng phương thức triển khai theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đi cơ sở, đến với người dân, NLĐ, đơn vị, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm giải quyết đúng, kịp thời các chính sách hỗ trợ theo quy định.  

THẢO VI

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh