THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:36

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh truyền thông về phát triển giáo dục nghề nghiệp

 

Các học viên đến nhập học tại Trường CĐ nghề Thừa Thiên Huế

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký ban hành Kế hoạch “Truyền thông phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN)” tỉnh năm 2018. Mục đích của Kế hoạch này là nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về sự quan trọng của GDNN, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong xu thế tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng 4.0. Mặt khác, Kế hoạch sẽ góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên các cơ quan báo chí và cán bộ làm công tác tuyên truyền nhận thức sâu sắc hơn công tác GDNN, qua đó nâng cao công tác thông tin tuyên truyền.

Để đạt được những mục tiêu kể trên, bản Kế hoạch yêu cầu nội dung thông tin, tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đa dạng về hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền.

Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá cần được thực hiện thường xuyên, bám sát thực tiễn; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Nội dung của bản Kế hoạch này là các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung thông tin, tuyên truyền về chỉ đạo, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 29 – NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Luật GDNN, Quyết định số 150-QĐ/TTg ngày 21/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Truyền thông đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề” cùng các văn bản liên quan đến GDNN đã được ban hành.

Thông tin, tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả, kinh nghiệm về thực hiện GDNN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; thông tin, tuyên truyền về các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và GDNN; về các mô hình, cách thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, gia đình trong việc thực hiện xã hội hóa GDNN; biểu dương các tập thể, cá nhân có sáng kiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, trong đổi mới giáo dục, đào tạo và GDNN…

Nội dung của bản Kế hoạch cũng đã nêu ra nhóm 7 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã giao trách nhiệm cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Kế hoạch. Mặt khác, giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến chức năng của đơn vị mình; đồng thời cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan báo chí về tình hình, kết quả, nội dung công tác GDNN để thông tin, tuyên truyền.

Hai đơn vị này cũng chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các Sở, ngành, địa phương về nội dung của Kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/12/2018.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế, trong năm 2017, tỉnh đã hoàn thành việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường, ngành sư phạm) từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở LĐ-TB&XH. Đơn vị cũng đã triển khai việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản liên quan đã được ban hành. Việc đẩy mạnh các hoạt động về giáo dục nghề nghiệp đã góp phần đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật có chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề; có đủ điều kiện và khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, vùng kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH cho tỉnh nhà. Chất lượng và hiệu quả GDNN có bước chuyển biến tích cực (khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và khoảng 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp; học viên một số nghề đào tạo ngắn hạn (nghề may công nghiệp, du lịch, dịch vụ...) đều tìm được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Mạng lưới cơ sở GDNN từng bước được củng cố và phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh