Thừa Thiên Huế và Quảng Trị triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai
- Y học 360
- 06:34 - 31/08/2022
- 5 cán bộ xã lãnh án vì ăn chặn tiền hỗ trợ thiên tai
- Thừa Thiên Huế yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
- 4.100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão hỗ trợ hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển miền Trung
- Miền Trung thiệt hại nặng do mưa lũ dị thường
- Mưa lớn dị thường ở miền Trung: 2 người chết, hàng trăm ghe thuyền bị chìm
- Nhiều tỉnh miền Trung thiệt hại nặng do mưa lớn, lốc xoáy bất ngờ
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, ngày 30/8/2022, UBND tỉnh này đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai: mưa bão, không khí lạnh, nắng nóng, lũ lụt, giông lốc... đã khiến 2 người chết, 1 người mất tích, hàng trăm nhà dân bị hư hỏng và ngập nước; sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục diễn ra... Tổng thiệt hại ước tính hơn 361 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thời tiết tại Quảng Trị tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường và trái quy luật, đã xảy ra 29 đợt thiên tai, đặc biệt là đợt rét đậm rét hại hiếm có xảy ra vào tháng 2. Bên cạnh đó, vào cuối tháng 3 còn xảy ra đợt mưa lũ cực đoan, dị thường chưa từng có khiến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh mất trắng hoàn toàn... Ước giá trị thiệt hại hơn 761 tỷ đồng.
Trước diễn biến, cường độ của thiên tai ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên, các Sở, ban ngành, địa phương đã sẵn sàng các công tác ứng phó, ứng cứu, khắc phục, hỗ trợ thiệt hại... kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã huy động các nguồn lực của trung ương, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước khắc phục hậu quả thiên tai với tổng kinh phí hơn 641 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhận định, thiên tai ngày càng có nhiều diễn biến bất thường và trái quy luật. Do đó, để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình thế thiên tai khắc nghiệt được dự báo trong mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo đồng bộ, sâu sát có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; rà soát xây dựng, cập nhât, bổ sung phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với từng vùng, khu vực.
Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng chống thiên tai; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác với phương châm “Lấy sự an toàn của người dân là thước đo hiệu quả trong hoạt động phòng chống thiên tai”.
Tiếp tục rà soát, thống kê các trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để có kế hoạch bổ sung, sửa chữa kịp thời. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng các công trình nhất là hiện trạng các công trình hạ tầng về phòng chống thiên tai, các hồ đập, đê kè, các điểm di dân, khu neo đậu tàu thuyền... đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn trước mùa mưa bão...
Tại Thừa Thiên Huế, ngày 29/8/2022, UBND tỉnh này đã ban hành Công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến của thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nước biển dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, mưa đá, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Các địa phương cần phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, người dân phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đời sống dân sinh. Chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và chuẩn bị phương án cứu trợ thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương; đảm bảo hậu cần ứng phó thiên tai; huy động nguồn lực cứu trợ thiên tai tại chỗ; sẵn sàng di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm để ổn định đời sống nhân dân trước, trong và sau thiên tai; hướng dẫn nhân dân chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các vật dụng thiết yếu khác khi mùa mưa bão đến.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là các hoạt động lồng ghép hỗ trợ hòa nhập cho người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại về: Người chết, người mất tích, người bị thương; nhà đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng và tình hình thiếu lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt báo cáo cơ quan có thẩm quyền, kịp thời hỗ trợ theo quy định.