CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:54

Thừa Thiên Huế bổ sung 4 khu vực khoáng sản làm mỏ đất vật liệu san lấp

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 19 mỏ đất làm vật liệu san lấp đang hoạt động với tổng diện tích 148,56 ha

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 19 mỏ đất làm vật liệu san lấp đang hoạt động với tổng diện tích 148,56 ha

Theo Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, tại kỳ họp lần này, các đại biểu dự họp sẽ xem xét, quyết định thông qua 10 vấn đề quan trọng. Cụ thể, gồm các nội dung: Giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bổ sung 4 khu vực khoáng sản đất làm vật liệu san lấp và bổ sung loại khoáng sản đất sét làm gạch ngói vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kỳ họp cũng xem xét, thông qua Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình và thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh; Phương án phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai; Thống nhất chủ trương phương án hỗ trợ kinh phí đầu tư trụ sở làm việc mới của Công an tỉnh; Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cải thiện dịch vụ y tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập do nguồn thu chưa đảm bảo; Kết quả phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh.

Trong số các vấn đề được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét lần này đáng chú ý là việc bổ sung quy hoạch các khu vực đất làm vật liệu san lấp, đất sét làm gạch ngói.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh đang và sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm có nhu cầu đất làm vật liệu san lấp, với khoảng hơn 35 triệu m3 trong giai đoạn 2021- 2025. Các dự án (DA) điển hình như: DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An; DA đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, DA Khu công nghiệp Phong Điền, các Công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ xây dựng khu công nghiệp Phong Điền,...

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 19 mỏ đất làm vật liệu san lấp đang hoạt động với tổng diện tích 148,56 ha, tổng trữ lượng khai thác là gần 15 triệu m3; tổng công suất khai thác là hơn 4,7 triệu m3/năm. Qua rà soát, các mỏ có trữ lượng còn lại khoảng hơn 8 triệu m3 nhưng phân bố tại các địa phương không đồng đều. Ngoài 19 mỏ đang hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp được cấp phép nêu trên, còn có 8 vị trí mỏ đã được cấp phép khai thác khoáng sản đi kèm là đất tầng phủ của khoáng sản chính, với tổng công suất đất san lấp hàng năm khoảng hơn 550.000m3. Tuy nhiên, các mỏ này thời hạn không dài, khối lượng đất phát sinh không cố định do việc bóc tầng phủ theo hồ sơ thiết kế mỏ.

Như vậy, khả năng cung cấp đất làm vật liệu san lấp hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 5,2 triệu m3/năm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu về đất làm vật liệu san lấp để phục vụ các công trình trên địa bàn.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị bổ sung quy hoạch 4 khu vực khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại: huyện Phong Điền và thị xã Hương Thủy, với tổng diện tích 203,28ha vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là việc làm cần thiết.

Sau khi trình, Nghị quyết bổ sung quy hoạch các khu vực đất làm vật liệu san lấp, đất sét làm gạch ngói đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua. Theo đó, các khu vực khoáng sản đất làm vật liệu san lấp được bổ sung tại: địa bàn xã Phong Mỹ và xã Phong Thu (Phong Điền); xã Dương Hòa, (thị xã Hương Thủy); xã Phú Sơn và phường Thủy Phương; xã Thủy Phù, cùng thuộc thị xã Hương Thủy.

Đối với vấn đề về Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết cũng đã được thông qua, với tổng nguồn vốn đầu là 367, 041 tỷ đồng. Cụ thể, CTMTQG xây dựng nông thôn mới: 91,9 tỷ đồng; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 120,432 tỷ đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững: 154,709 tỷ đồng.

Để hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế có nguồn thu chưa đủ để đảm bảo nhiệm vụ chi lương và chi thường xuyên, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất bổ sung kinh phí hơn 11 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế năm trước chuyển sang để thực hiện. Ngoài ra, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng  thống nhất thông qua nghị quyết về phương án hỗ trợ kinh phí đầu tư trụ sở làm việc mới của Công an tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 799 tỷ đồng. Vị trí của trụ sở Công an tỉnh sẽ được bố trí tại khu đất có diện tích 15,925 ha thuộc Khu E – đô thị mới An Vân Dương.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Lê Trường Lưu - Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, 10 Nghị quyết được kỳ họp lần này xem xét, thông qua có ý nghĩa quan trọng để các ngành, địa phương kịp thời triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Ông Lưu yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện để các nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh