Nam sinh dân tộc H’rê thừa điểm vẫn không được vào Đại học Cảnh sát nhân dân
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:07 - 26/08/2016
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Phạm Huy Trãi (SN 1998, người dân tộc H’rê, trú thôn Huy Ba 2, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) học sinh 12C, Trường THPT Quốc văn Sài Gòn đã đạt tổng 23,25 điểm khối C.
Em Phạm Huy Trãi và mẹ mình đang rất lo lắng và bức xúc vì chưa được nộp hồ sơ
vào trường cảnh sát là do lỗi của công an địa phương
Trong đó, điểm số cụ thể của Trãi như sau: môn Ngữ văn 7,50 điểm, Lịch sử 7 điểm và Địa lý 8,75 điểm, tại cụm thi trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
Với số điểm này, Trãi đủ điều kiện vào ngành Điều tra trinh sát trường Đại học Cảnh sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện tại, Trãi vẫn không nhận được giấy báo nhập học.
Sau đó, Trãi đã viết đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ công an, Giám đốc công an tỉnh Quảng Ngãi, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh và các cơ quan báo chí.
Theo đơn cầu cứu, từ tháng 3/2016, Trãi đã hoàn tất các thủ tục trong hồ sơ theo yêu cầu của Công an huyện Ba Tơ và nộp lên trụ sở Công an huyện này.
Đến ngày 29/7, em tiếp tục nộp thêm bảng điểm kết quả thi THPT Quốc gia 2016 và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời lên cho Công an huyện Ba Tơ.
Bằng khen do nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ký tặng cho em Trãi
Tuy nhiên, đến ngày 18/8, các thí sinh đăng ký thi vào ngành công an đã có giấy báo nhập học, nhưng Trãi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì từ phía Đại học Cảnh sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Gia đình Trãi đã đến hỏi công an Huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) thì nhận được câu trả lời do hồ sơ bị trục trặc không gửi đi được.
Tâm thư của Phan Huy Trãi gửi đến Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan chức năng
Quyết định cấp học bổng cho em Trãi
"Gia đình em đến hỏi công an huyện Ba Tơ, thì công an huyện nói là đang chờ sự giải quyết của công an tỉnh. Sau đó người nhà em tiếp tục đến công an tỉnh Quảng Ngãi để hỏi thăm sự việc, thì lại nhận được câu trả lời: Việc này do công an huyện Ba Tơ bổ sung hồ sơ không đúng thời hạn, nên chúng tôi đã trả hồ sơ về huyện…
Em không hiểu vì sao hồ sơ của em lại bị chậm trễ như vậy. Kỳ thi năm nay em chỉ đăng ký trường ĐH Cảnh sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh nên giờ không biết làm sao cả", Trãi lo lắng nói.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, động viên em Trãi
Theo tìm hiểu, em Trãi là người dân tộc H’rê, mồ côi cha từ lúc nhỏ. Cuộc sống khó khăn nhưng Trãi có tinh thần hiếu học. Không chỉ vậy, Trãi còn đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử năm học 2012-2013.
Em Trãi cùng những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chụp ảnh cùng nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền
Với thành tích học tập xuất sắc, em Trãi được Quỹ học bổng Vừ A Dính tài trợ học tiếp 3 năm học tại trường THPT Quốc Văn Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Cả 3 năm học THPT, Trãi luôn nỗ lực đạt danh hiệu học sinh khá giỏi.
"Tôi mong cơ quan chức năng xem xét cho cháu tôi được vào học nghành công an", -bà Trần Thị Thoa, dì của em Trãi, chia sẻ.
Trả lời phóng vấn của PV VTC News, bà Ngô Thị Mai (mẹ của Trãi) buồn bã nói: “Nhà tôi không có ai bị tù tội hoặc lịch lý không trong sạch để ảnh hưởng đến việc nhập học con tôi cả. Hồ sơ lý lịch của con tôi đã được gửi cho Công an huyện cách đây nửa năm nhưng không hiểu vì sao Công an huyện lại chậm trễ trong việc điều tra lý lịch đã gửi muộn sau ngày 5/8/2016, điều này đã làm ảnh hưởng nặng nề khiến con tôi không được nhập học, trúng tuyển vào Trường đại học Cảnh sát nhân dân".
Bà Mai cho rằng việc hồ sơ bị trục trặc thì tại sao công an địa phương không báo ngay từ đầu mà phải đợi đến lúc gia đình bà Mai đến hỏi thì họ trả lời như vậy.
"Nếu bây giờ họ cứ đùn đẩy trách nhiệm như vậy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tương lai của con tôi?!", bà Mai chua xót nói.