THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:27

Thủ tướng: Sóc Trăng cần thu hẹp khoảng cách phát triển

Trình bày báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, sau 25 năm từ khi tái lập, xây dựng và phát triển tỉnh đã từng bước vươn lên, phát triển toàn diện, khẳng định vị thế mới của một tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Từ một tỉnh tỷ lệ hộ nghèo đói chiếm trên 60%, sau 25 năm đổi mới, phát triển, Sóc Trăng đã phát huy được tiềm năng, lợi thế đưa kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá toàn diện và tương đối vững chắc với mức tăng bình quân mỗi năm trên 10%; tổng sản phẩm tăng hơn 11 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,4%, đến nay tỉnh đã có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Sóc Trăng cần nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSC".. ảnh:VGP

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, khai thác tiềm năng lợi thế để  đạt nhiều thành tựu khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực.Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện. Những thành tựu rất đáng tự hào này đã tạo tiền đề để cho Sóc Trăng tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, “vẫn chưa thể bằng lòng, còn rất nhiều lo lắng, trăn trở vì kinh tế của Sóc Trăng cũng như một số tỉnh vùng ĐBSCL có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Hạ tầng kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đời sống của một bộ phận người dân chưa bảo đảm…”.Thủ tướng khẳng định Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn và tạo mọi điều kiện để Sóc Trăng phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn thời gian tới.

Thủ tướng trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Lâm Thị Nguyệt trú tại phường 5, TP. Sóc Trăng.ảnh:VGP

Để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cần năng động, sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế với vị trí địa lý kinh tế, điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi, đặc biệt là một trong những cửa ngõ thông ra biển của vùng. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo ra các đột phá nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách phát triển so với mức bình quân chung của cả nước, tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển, trong đó tập trung đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là trong vùng ĐBSCL; trước mắt cần khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có có giá trị gia tăng cao; chủ động hội nhập quốc tế, tìm kiếm thị trường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, thủy sản…Phấn đấu đến năm 2020 có trên 5.000 doanh nghiệp.

Thủ tướng thăm và tặng quà Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hoài Sương.ảnh:VGP

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án vào khu công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghệ cao. Phát triển mạnh du lịch sinh thái - sông nước và du lịch văn hóa; kết nối các điểm tham quan, du lịch biển, ưu đãi đầu tư du lịch với chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút từ 2-3 triệu lượt khách du lịch.

Ba là, tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Làm tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo những người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo và đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung phát triển giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Quan tâm đầu tư các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bốn là, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, đặc biệt là xâm nhập mặn, có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Chú trọng bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển, cụm công nghiệp, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương với tinh thần liêm chính kiến tạo, hành động vì người dân và doanh nghiệp. Tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường  kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu trong nhóm đầu các tỉnh ĐBSCL.

Trước đó, chiều 22/4, nhân chuyến công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát mô hình nuôi tôm của Công ty TNHH Khánh Sủng tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên; đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lưu Thị Tư và Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hoài Sương./.

NT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh