CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:07

Thủ tướng mong muốn trái cây của Tiền Giang trở thành thương hiệu của ASEAN

Sự kiện quan trọng này nhằm giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và chính sách mời gọi đầu tư của tỉnh Tiền Giang đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang 2018

Đây là lần đầu tiên Tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô với trên 700 đại biểu. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ còn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương trong vùng; đại diện cơ quan ngoại giao và các cơ quan hợp tác phát triển các nước có văn phòng tại Việt Nam; các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế; các viện, trường đại học lớn, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước, các nhà đầu tư đã, đang và sẽ triển khai dự án đầu tư tại Tiền Giang...

Tiền Giang là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển đa dạng của khu vực ĐBSCL. Năm 2018, xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 2 tại vùng ĐBSCL, FDI xếp thứ 4; tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3; là tỉnh có sản lượng giao dịch gạo lớn nhất cả nước; thu hút du khách quốc tế nhiều nhất ĐBSCL; Tiền Giang cũng là tỉnh có diện tích và sản lượng trái cây lớn nhất Việt Nam; Vị trí địa lý thuận lợi nằm gần TP.HCM, chỉ cách 30 phút đi đường cao tốc…

Lúa, cá tra, vú sữa Lò Rèn, khóm Tân Phước, xoài cát Hòa Lộc, bưởi, sầu riêng… là những loại đặc sản nổi bật của nông nghiệp Tiền Giang.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu dự án cho các nhà đầu tư với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ

Đặc biệt, với trên 1,35 triệu người trong độ tuổi lao động trong đó 47% lao động qua đào tạo, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của Tiền Giang được đánh giá là nằm trong nhóm hàng đầu ở khu vực ĐBSCL, có đủ khả năng thích ứng, đáp ứng các yêu cầu của nền sản xuất phát triển và hoạt động kinh doanh theo hướng hiện đại.

Một trong những điều được ghi nhận là theo số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh trên Cổng Thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia của tỉnh Tiền Giang tiếp tục được rút ngắn và nhanh nhất so với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp mới giảm từ 1,22 ngày năm 2016 xuống còn 0,81 ngày làm việc trong năm 2017; thời gian xử lý hồ sơ từ 0,99 ngày làm việc năm 2016 xuống còn 0,49 ngày làm việc trong năm 2017. Trong năm 2017, tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn được Sở KH-ĐT Tiền Giang xử lý đạt trên 99%, tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận đạt trên 95%.

Đó là những lợi thế nổi bật và thành tựu của tỉnh Tiền Giang có sức hút với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vì thế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đến Tiền Giang tìm kiếm đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chế biến nông sản. Tiền Giang có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lợi thế về nông nghiệp. Đây là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng triển lãm sản phẩm của địa phương tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang 2018

Đến nay, Tiền Giang đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; 27 cụm công nghiệp trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, UBND tỉnh Tiền Giang dự kiến sẽ trao chủ trương đầu tư và chủ trương nghiên cứu dự án cho 31 dự án tiêu biểu với tổng vốn đầu tư 15.650 tỷ đồng. Song song đó, danh mục 19 dự án tỉnh Tiền Giang ưu tiên mời gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, phát triển hạ tầng thương mại… với tổng vốn đầu tư khoảng16.360 tỷ đồng cũng được giới thiệu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vị trí chiến lược của Tiền Giang đối với tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại, có đầy đủ các yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, có môi trường kinh doanh đang cải cách mạnh mẽ. Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần phải làm sao để phục hưng được vùng đất này, phát huy tiềm năng để trở thành đầu tàu kinh tế miền Tây, một “siêu vệ tinh” của vùng kinh tế TPHCM.

Theo Thủ tướng, nếu như nói ĐBSCL là “vương quốc” của trái cây cả nước, thì Tiền Giang phải là “vương quốc của vương quốc”, “thủ phủ của thủ phủ” trái cây. “Liệu Tiền Giang có thể trở thành thương hiệu trái cây của Việt Nam và ASEAN nói chung hay không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Không chỉ có thế mạnh về nông nghiệp, mà Tiền Giang còn có lợi thế lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch miệt vườn với hàng loạt địa danh độc đáo.

“Lãnh đạo tỉnh cần sớm nhận thức được vai trò liên kết 4 chuỗi giá trị lớn; phát triển xanh, áp dụng công nghiệp 4.0; phát triển các đô thị ở 3 vùng kinh tế để nâng cao đời sống người dân và thu hút đầu tư dịch vụ phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá một trong những lợi thế quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang, đó là có nguồn nhân lực tốt và có những điều kiện phù hợp để thu hút nguồn nhân lực trong khu vực. Để phát huy điểm mạnh này, tỉnh cần đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, giảm chi phí đào tạo và tuyển dụng, quan tâm quyền lợi của người lao động... 

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh