THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:03

Thủ tướng: Không được "đẩy qua đẩy lại" làm lỡ thời cơ của doanh nghiệp

Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp.

Sẽ có sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc

Chia sẻ những khó khăn trong bối đại dịch Covid-19, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, hai tài sản lớn nhất của ngành Dệt may cần phải bảo vệ đó là lao động và vị trí của ngành Dệt may của Việt Nam trên toàn cầu.

Do đó, doanh nghiệp lựa chọn phương án có thể sản xuất mọi mặt hàng có thể duy trì nhân công, ưu tiên đủ chi phí trả lương cho nhân viên để giữ lao động. Nhưng hiện gặp khó khi không biết thời gian tới, hành vi người tiêu dùng sẽ biến chuyển ra sao và có thể nhu cầu sẽ không cao như trước.

Từ đó, ông Trường kiến nghị 2 vấn đề, trong đó miễn bảo hiểm xã hội và công đoàn phí cho ngành Dệt may từ tháng 5 đến hết 2020, đồng thời sớm có các văn bản hướng dẫn các thông tư để hưởng các các lợi thế từ EVFTA để các doanh nghiệp dệt may tận dụng.

Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, với quyết sách  phương châm chống dịch vô cùng hiệu quả của Chính phủ, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu - bán lẻ với Việt Nam, với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay.

Trong khi đó, các quốc gia sản xuất thuỷ sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong toả cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu.

“Indonesia hay Philipines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam”, ông Hoè nhấn mạnh.

Trong nước, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thuỷ sản hầu như không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị...) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất.

Đặc biệt, nhận định nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là thuỷ sản theo dự báo sẽ tăng mạnh sau dịch, Tổng thư ký VASEP nhận định: “Sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra “chiến tranh” thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid -19”.

Thủ tướng: Không được "đẩy qua đẩy lại" làm lỡ thời cơ của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị.

Miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng

Nêu các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ tập trung 10 giải pháp chủ yếu.

Trong đó, đã đề xuất với Chính phủ giảm thuế 24 nhóm mặt hàng; miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện, vật tư để sản xuất các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô; để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu…

“Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các loại phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân”, ông Dũng khẳng định.

Bộ Tài chính cũng sẽ giảm tiền chậm nộp thuế, chậm nộp đối với các doanh nghiệp sản xuất, trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế giá trị gia tăng…

Ở góc độ ngành ngân hàng, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động của dịch.

Cùng với đó, tiến hành cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục vay vốn, tạo hành lang để miễn giảm phí, lãi suất, giúp doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất kinh doanh, cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch…

“Kết quả đến 8/5/2020 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng”, ông Hưng điểm các con số.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp giữ lao động, phối hợp đào tạo nhân lực

“Covid-19 là đại dịch nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức Nhà nước tốt, nếu biết kinh doanh tốt và hợp tác tốt”, Thủ tướng phát biểu kết luận.

Khẳng định doanh nghiệp giữ vị trí chủ chốt trên mặt trận kinh tế, theo người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại mà phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ, cùng với đó áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm cơ quan Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đại biểu, nhà đầu tư… để có Nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện phát triển.

Trong đó, tập trung vào việc cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục, tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, người yếu thế…

“Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm chậm, làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị doanh nghiệp giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh và doanh nhân Việt Nam, đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển.

Bên cạnh chương trình hành động sẽ được xây dựng, theo Thủ tướng, các cơ quan Nhà nước cần quan tâm xử lý là tạo môi trường tốt doanh nghiệp, hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp cả chính sách tiền tệ, tài khoá, giảm lãi suất, chi phí.

“Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần giữ vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng VND”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự; nâng cao đạo đức công vụ; tạo mọi thuận lợi phát triển nhanh dịch vụ logistics, hạ tầng; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực…

“Việt Nam có câu lửa thử vàng, gian nan thử sức, khó khăn hai chúng ta phải cố gắng ba để vượt qua khó khăn... Vì vậy, chúng ta cùng đoàn kết, quyết tâm, lập thành tích hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo”, Thủ tướng kêu gọi.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh