Thủ tướng: Không phải quyền anh quyền tôi lúc này, mà phải vì dân tộc, vì đất nước
- Tây Y
- 18:44 - 09/05/2020
Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như "lò xo nén lại" vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.
Diễn ra trong "trạng thái bình thường mới", Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp được tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ với mục đích lắng nghe ý kiến của "lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế" để tháo gỡ rào cản, mở đường cho lực lượng này tiến lên. Có thể nói, nhờ các hội nghị đối thoại, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nền tảng và cảm hứng cho phong trào cải cách ở mọi cấp, ngành, mọi địa phương như hiện nay.
Theo VCCI, sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do VCCI chuyển đến các bộ, ngành đã đạt 45%. Sau 4 năm (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành đã đạt khoảng 80%.
Hội nghị hôm nay, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã được đẩy lùi ở nước ta, sẽ thôi thúc một tinh thần cách mạng, yêu nước của người dân và doanh nghiệp cũng như khẳng định với thế giới thấy rằng Việt Nam quyết tâm trong môi trường, điều kiện mới để đưa đất nước tiến lên.
Cơ hội cho nền kinh tế tận dụng thời cơ vàng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhận định, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn như vậy, những doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh là những doanh nghiệp có năng lực thích nghi tốt nhất. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc tới những doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải toả thời gian qua là điều đáng buồn.
Nhắc tới con số tăng trưởng kinh tế quý I/2020 tại một số đầu tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, TP HCM có mức tăng trưởng quý I/2020 so với cùng kỳ là 1,43%, Hà Nội tăng trưởng trên 3,5%, Hải Phòng tăng trưởng hơn 14,9%.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 3,82% trong quý I/2020, mặc dù là mức thấp trong nhiều năm qua nhưng là mức cao so với nhiều nước, thậm chí là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN ở quý I/2020.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 ở mức 2,7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong các nước ASEAN 5 Việt Nam được dự báo là có mức tăng trưởng tốt nhất.
Theo Thủ tướng, trước thách thức của dịch bệnh, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển để ngọn lửa tăng trưởng vẫn có thể bùng lên khi dịch kết thúc.
Sau 23 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, chưa có người tử vong vì COVID-19, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, nếu mỗi người chịu hi sinh một phần lợi ích nhỏ của mình thì tất cả sẽ chiến thắng. "Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại Việt Nam", Thủ tướng khẳng định.
Về kinh tế, Thủ tướng nhận định: "Năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn".
Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, thị trường cổ phiếu dù nhìn chung đi xuống nhưng vẫn nhiều mã cổ phiếu tăng cao. Có được điều này là do các doanh nghiệp này phát triển bằng các giá trị cốt lõi, bền vững, không phải các giá trị ảo, thiếu bền vững.
Khẳng định khi nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nhịp đập kinh tế sẽ như lò xo bị nén lại giờ bật tăng, Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Đồng thời, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Muốn vậy, người Chính phủ nhắc tới 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này, đó là thu hút đầu tư tư nhân, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.
Để hiện thực những yêu cầu đó, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải chứ U hay chữ W.
"Hội nghị không phải dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ mà phải là dịp đóng góp, hiến kế cho phát triển. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp sản xuất nhưng có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất. Tăng năng suất mới là yếu tố phát triển bền vững. Do đó, các địa phương, các doanh nghiệp dành thời gian hiến kế cho sự phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành phải "xắn tay", các địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Đặc biệt không phải quyền anh quyền tôi lúc này, mà phải vì dân tộc, vì đất nước, phải hợp tác để cùng thành công", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế được đánh giá rất cao, Thủ tướng khẳng định đây cũng là cơ hội cho nền kinh tế tận dụng thời cơ vàng, là cơ hội cho doanh nghiệp, trước hết là cơ hội cho doanh nghiệp nội địa, nhưng nếu không biết nắm bắt sẽ trượt mất.
"Việt Nam có mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045. Dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này. Vậy xin hỏi tầm nhìn 2045 của doanh nghiệp là gì? Đang ở đâu?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Thủ tướng Chính phủ cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn tầm quốc tế, nhưng chưa có doanh nghiệp nào lọt vào top 500. Thủ tướng đặt câu hỏi liệu năm 2045, Việt Nam có doanh nghiệp tầm cỡ hay không?
"25 năm nữa là có thể xuất hiện các đế chế ở Việt Nam hay không? 25 năm trước chưa ai nghĩ đến Google, Alpha, Alibaba… Không gì là không thể, doanh nghiệp không sợ thất bại, phải biến ước mơ thành hiện thực", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng khẳng định, sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp, nếu không nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy.
Thủ tướng cho rằng, việc gì quá dễ dàng thì kém có ý nghĩa, thành công không phải vì đã đạt được, mà là trở ngại đã và sẽ vượt qua. Thủ tướng nhấn mạnh lúc gai góc nhất là lúc thể hiện tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí.
Cuối cùng, dẫn bài thơ "Tự thương mình" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng động viên doanh nghiệp: "Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân".
86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Hiện nay, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid 19, các hoạt động của đời sống xã hội đã nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. Đất nước đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới".
Theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%; đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới bị lâm vào cảnh đói nghèo. GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu âm 7,5% . Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được "trạng thái tích cực": tăng trưởng GDP quý I năm 2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các DN phải đối mặt với "khó khăn kép": vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ.
"Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ KH&ĐT đã tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 DN. Theo đó, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Các số liệu về tình hình đăng ký DN trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực DN, thể hiện ở việc giảm mạnh về số DN thành lập mới, quy mô DN bị thu hẹp; số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).
"Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết. Cộng đồng DN đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động", Bộ trưởng Dũng thông tin.