CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:43

“Hội nghị Diên Hồng” Thủ tướng với doanh nghiệp: Đưa ra các quyết sách "then chốt" thúc đẩy kinh tế

Sáng nay 7/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp báo thông tin về Hội nghị trực tuyến, về mục tiêu chính cũng như các nhóm vấn đề chính của Hội nghị dự kiến tổ chức vào ngày 9/5 tới.

Đưa ra quyết sách, chiến lược then chốt thúc đẩy kinh tế sau đại dịch

Bày tỏ mong muốn lắng nghe sự hiến kế của các doanh nghiệp và cho biết các thành viên Chính phủ cũng sẽ trực tiếp đưa ra những thông điệp, cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị lần này, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chia sẻ, Hội nghị lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp cũng như các đề xuất của các hội, ngành nghề…

Đồng thời, cũng là dịp để các doanh nhân xác định được vai trò và vị trí của mình, hiến nhiều kế sách hay góp phần giúp Chính phủ và Thủ tướng đưa ra quyết sách phù hợp, những chiến lược then chốt nhằm thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn mới sau đại dịch Covid-19.

“Hội nghị Diên Hồng” Thủ tướng với doanh nghiệp: Đưa ra các quyết sách "then chốt" thúc đẩy kinh tế - Ảnh 1.

Quang cảnh họp báo.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp phải thể hiện tinh thần yêu nước, quyết tâm tái cơ cấu, đổi mới sáng tạo để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng.

Đối với điều hành của Chính phủ, mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu kép là phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến nhiều bộ, ban, ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, VCCI... sẽ có các tham luận, đồng thời cùng với các doanh nhân hiến kế cho Thủ tướng.

"Sau khi lắng nghe những kiến nghị, khó khăn từ cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại các cuộc đối thoại, Thủ tướng sẽ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh", Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Tháo gỡ nhiều "nút thắt" trong giai đoạn mới

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp cho biết, với mục tiêu trên, hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề.

Thứ nhất là đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Hai là đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các b, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua.

Ba là nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch Covid-19, nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.

Bốn là các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.

"Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về Chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu này", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

6.000 người dự trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu bộ, ngành

Trước đó, chủ trì cuộc họp chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị này, Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, về sản phẩm sau Hội nghị, có thể là Nghị quyết hoặc Chương trình hành động. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều Nghị quyết, nên phương án xây dựng Chương trình hành động hoặc một hình thức khác sẽ phù hợp hơn.

Thêm nữa, ngoài các gói hỗ trợ đã ban hành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề Hội nghị này có thể đưa ra thêm được vấn đề gì để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, công tác thông tin truyền thông về Hội nghị cần tiếp tục nêu các tấm gương vượt khó để phát triển, khi mà có những doanh nghiệp của thương binh, người khuyết tật còn cố gắng giữ lao động thì cộng đồng doanh nghiệp nói chung sẽ có thêm động lực mới.

Theo kế hoạch, Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các Bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Dự kiến khoảng 6.000 đại biểu tại các điểm cầu, và khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi phát sóng trực tiếp.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh