THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:21

Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5

Chiều 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về vấn đề xuất khẩu gạo với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tập đoàn, tổng công ty lương thực lớn và một số bộ, ngành.

Năm nay, được mùa lúa

Thủ tướng cho biết, năm 2020, chúng ta có kế hoạch xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Do tình hình dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán, nhiều nước đã dừng xuất khẩu gạo để đề phòng tình trạng khan hiếm lương thực có thể xảy ra. Vì thế, chúng ta đã có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát để xem xét tình hình sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu, xem sản lượng, diện tích, năng suất cụ thể để trước hết bảo đảm lương thực cho đất nước 100 triệu dân, đề phòng bất trắc xảy ra. 

"Đây là việc làm cần thiết", Thủ tướng cho biết thêm, trong những ngày qua, đã cử các đoàn công tác của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi nắm tình hình các tỉnh và nghe các tỉnh phản ánh việc sản xuất lúa ở địa bàn mình. 

"Năm nay, điều đáng mừng là trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL, nhưng do quyết tâm của các địa phương, sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã chuyển thời vụ sớm, có cơ cấu cây trồng hợp lý, cho nên, năm nay, được mùa lúa", Người đứng đầu Chính phủ nói.

Do đó, cuộc họp hôm nay thảo luận phương án xuất khẩu gạo bình thường để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, bảo đảm an ninh lương thực. 

Đến nay, nước ta đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19, bảo đảm an toàn căn bản cho người dân, số ca nhiễm thấp, không có người tử vong. Cho nên, cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh để bảo đảm việc làm, thu nhập, tăng trưởng.

Các yếu tố dẫn đến giãn tiến độ xuất khẩu gạo đã thay đổi

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long, vụ Đông Xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc.

Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Bộ Công Thương cho biết, đến cuối tháng 4/2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên.

Trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường từ 1/5.

Về vấn đề xuất khẩu gạo, sau khi nghe báo cáo của của đoàn công tác liên ngành, Thủ tướng đồng ý từ 1/5/2020 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế

Tuy nhiên, để duy trì bảo đảm an ninh lương thực, theo chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không).

Nếu xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì Bộ Công Thương phải báo cáo ngay Thủ tướng để có biện pháp xử lý phù hợp.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5%; đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Trường hợp thương nhân không thực hiện, Thủ tướng cho phép Bộ Công Thương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

UBND các tỉnh, TP cũng phải chỉ đạo các Sở Công Thương tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiêm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về vấn đề này.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Công Thương rà soát Nghị định 107 để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế, trong đó, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” của một số doanh nghiệp.

Bộ Tài chính rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia để có giải pháp phù hợp; chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo.

Bộ NN&PTNT có trách nhiệm trong việc chỉ đạo xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Các thương nhân, nhà đầu tư cần hợp tác trong vấn đề này. 

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chinh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Công Thương tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiêm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn.

Đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về vấn đề này.


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh