Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm việc với tỉnh Quảng Trị về công tác hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do Covid-19
- Tây Y
- 19:43 - 29/10/2021
- Quảng Trị cho phép các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động trở lại
- Quảng Trị đón thêm gần 450 người dân từ vùng dịch về quê bằng tàu hoả
- Quảng Trị tiếp tục tổ chức đoàn công tác vào miền Nam đón người dân gặp khó khăn do Covid-19 về quê
- Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: "Bình Phước cần hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để sớm trở lại trạng thái bình thường mới"
- Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đến từng khu phố kiểm tra việc hỗ trợ người dân
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, UBND tỉnh Quảng Trị đã sớm chỉ đạo các Sở, ban ngành, các địa phương quyết liệt triển khai để làm sao đó, nhanh chóng đưa Nghị quyết, quyết định đi vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ người dân người dân gặp khó khăn do Covid-19.
Theo ông Hồng, đến nay hầu hết các chính sách đã được Quảng Trị triển khai và nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng, chỉ còn chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đến nay chưa có hồ sơ phát sinh. Cụ thể, tính đến ngày 27/10, Quảng Trị đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.457 đơn vị, với số lượng 27.140 người; số tiền được giảm đóng hơn 2,65 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 1 đơn vị với 83 người. BHXH tỉnh Quảng Trị cũng đã thực hiện giảm mức đóng BHTN cho 1.459 đơn vị, tương ứng với 27.218 người, với số tiền hơn 16 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg. Quảng Trị đã hoàn thành việc rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ cho 1.348 đơn vị, tương ứng hơn 25.158 lao động; đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 24.997 lao động.
UBND Quảng Trị cũng đã có quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 503 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 31 đơn vị, doanh nghiệp, với số tiền hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng; hỗ trợ cho 29 người lao động ngừng việc tại 5 đơn vị, doanh nghiệp. Có 7 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và 2 trẻ em được hỗ trợ với số tiền hơn 27 triệu đồng. 161 người điều trị Covid-19, 140 người cách ly y tế được chi hỗ trợ. 69 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch tại Quảng Trị đã được chi hỗ trợ, với số tiền hơn 255 triệu đồng. UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 100 hộ kinh doanh, với số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng. Đến nay, có 6 đơn vị sử dụng lao động được hỗ trợ vay vốn để trả lương cho lao động để phục hồi sản xuất, với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Số lao động được trả lương từ số tiền vay là 404 lượt người.
Quảng Trị cũng đã ban hành Quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đánh giá, quyết định có tính bao quát lớn, đảm bảo hỗ trợ được hầu hết đối tượng gặp khó khăn. Đến nay, đã có 440 lao động tự do tại Quảng Trị được hỗ trợ, với số tiền là 660 triệu đồng.
Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã góp phần chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống của nhân dân, người lao động. Các chính sách cũng giúp người sử dụng lao động ổn định sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.
Ngoài các chính sách nói trên, ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định xuất cấp 741,285 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc cấp phát 741,285 tấn gạo cứu trợ đến cho 10.126 hộ gia đình (49.419 nhân khẩu) ở 2 huyện miền núi: Đakrông, Hướng Hóa. Quảng Trị cũng đã chi 15 tỷ đồng hỗ trợ cho 15.000 người Quảng Trị đang lưu trú, lao động, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ đưa Hiện nay 1.350 người Quảng Trị ở vùng dịch về quê an toàn. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang xem xétchi hỗ trợ tiền ăn cho người dân trở về từ vùng dịch thuộc các địa phương khác có hoàn cảnh khó khăn, phải cách ly tập trung y tế theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 tại Quảng Trị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do ngân sách của tỉnh hạn chế nên việc hỗ trợ cho người dân khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh ít, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Quảng Trị chưa có ngân sách hỗ trợ cho người dân từ miền Nam về phải đi cách ly tập trung,...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Quảng Trị. Việc kiểm soát được dịch bệnh đã bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội; giúp giữ được sự bình yên, bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Thứ trưởng ghi nhận những nỗ lực của Quảng Trị trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NĐ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Theo Thứ trưởng, các chính sách hỗ trợ Chính phủ hết sức quan tâm. Đây là một trong những động lực quan trọng giúp phục hồi nền kinh tế trong tình hình mới và Quảng Trị là một trong những địa phương đã thực hiện rất sớm và đạt được những kết quả tốt, giúp người dân giảm bớt khó khăn. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ người dân Quảng Trị đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh, thành phía Nam gặp khó khăn mà địa phương đã triển khai; kịp thời đưa các đối tượng yếu thế trở về quê tránh dịch. Những việc làm này là hết sức nhân văn, thể hiện tinh thần đùm bọc, chia sẻ, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, giúp chia sẻ khó khăn với các địa phương phía Nam, nơi dịch bệnh bùng phát mạnh vừa qua.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, đối tượng nào đã rõ ràng thì phải chi ngay, không để người dân phải chờ đợi lâu, tránh phát sinh các tiêu cực không đáng có. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, để người lao động, doanh nghiệp nắm bắt chính sách, tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời lưu ý địa phương cần rà soát lại đối tượng, để đảm bảo không bỏ sót, làm sai đối tượng được hỗ trợ, tránh tình trạng trục lợi chính sách.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đề nghị Quảng Trị tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; kêu gọi nhà đầu tư, xây dựng các khu kinh tế, công nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Tổ chức lại hệ thống đào tạo nghề, tạo nên sự đột phá về nguồn nhân lực, bảo đảm nguồn cung lao động chất lượng cao cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, giải quyết việc làm bền vững lâu dài cho người dân. Quảng Trị cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện; ưu tiên nguồn vaccien phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động, phục vụ kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.