CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:20

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng kiểm tra thực hiện hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do Covid-19 tại Hải Lăng (Quảng Trị)

Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH làm việc với huyện Hải Lăng, Quảng Trị về công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19

Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH làm việc với huyện Hải Lăng, Quảng Trị về công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Cáp Xuân Tá – Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, nhờ làm tốt công tác phòng dịch nên đến nay trên địa bàn không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, huyện Hải Lăng đang là vùng xanh của tỉnh Quảng Trị.

Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Trị, đến nay UBND huyện Hải Lăng đã quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban, các địa phương triển khai thực hiện và đạt một số kết quả ban đầu.

Theo ông Tá, tính đến nay, Hải Lăng đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 83 đơn vị, với số người được giảm đóng 2.645 người, số tiền được giảm đóng 600 triệu đồng. Huyện Hải Lăng cũng đã phân bổ kinh phí và chỉ đạo UBND thị trấn Diên Sanh tổ chức chi hỗ trợ cho 6 hộ kinh doanh với tổng số tiền 18 triệu đồng; đã thẩm định, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ cho 19 hộ kinh doanh với số tiền 57 triệu đồng (đợt 2).

Đối với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), Hải Lăng đã đã ban hành quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ và hướng dẫn các xã chi trả cho 21 lao động tự do, với số tiền là 31.5 triệu đồng; đã thẩm định, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ cho 18 lao động tự do với số tiền 27 triệu đồng (đợt 4). Hiện nay, Phòng LĐ-TB&XH Hải Lăng đang thẩm định, rà soát 306 hồ sơ lao động tự do của xã Hải Chánh để đề nghị UBND tỉnh phê duyệt.

Về chính sách giảm đóng vào quỹ BHTN cho người sử dụng lao động: số đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng là 75 đơn vị, với 2.409 người. Số tiền dự kiến giảm đóng là 1.146 triệu đồng. Số lao động đã được phê duyệt hỗ trợ là 2.380 lao động, trong đó 2.065 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 315 lao động đã nghỉ việc, với số tiền 5.230 triệu đồng. Hiện nay BHXH huyện Hải Lăng đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và tiếp tục thực hiện giảm mức đóng BHTN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính trên địa bàn.

Ông Cáp Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng báo cáo với Đoàn côn tác

Ông Cáp Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng báo cáo với Đoàn côn tác

Bên cạnh việc thực hiện hỗ trợ người dân theo các chính sách của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện Hải Lăng đã phối hợp UBMTTQVN huyện tổ chức chi hỗ trợ cho 2.869 người dân trên địa bàn huyện đang lưu trú, lao động, học tập tại các tỉnh, thành phía Nam đang gặp khó khăn với số tiền 2,869 tỷ đồng. Hiện còn 2.681 người chưa nhận được hỗ trợ do huyện chưa bố trí được kinh phí. Hải Lăng cũng đã đón 389/ 2.053 đối tượng yếu thế (phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, người đi khám chữa bệnh, thăm thân nhân, học sinh…có hoàn cảnh khó khăn) về quê theo nguyện vọng.

Ông Phan Kế Quỳnh – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hải Lăng cho biết thêm, nhằm hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê hiện đang gặp khó khăn về việc làm, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, lãnh đạo các phòng, ban liên quan đã trực tiếp đến vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận lao động. Đến nay, có 320 lao động từ các tỉnh, thành trở về địa phương đã được tiếp nhận, có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.         

Lãnh đạo một số xã, thị trấn tại Hải Lăng thì cho biết, hiện nay một số nhóm đối tượng mới chỉ tiếp nhận hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đối tượng chưa nhận được tiền hỗ trợ.        

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá cũng thừa nhận, tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do Covid-19 tại một số xã còn chậm, đối tượng thụ hưởng chưa nhiều. Hiện trong số 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo các chính sách của Trung ương, của tỉnh thì Hải Lăng mới thực hiện được 3 nhóm; nhiều nhóm chính sách chưa phát sinh đối tượng; 8/15 xã chưa phát sinh đối tượng.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tham gia phát biểu ý kiến, báo cáo, trao đổi để làm rõ thêm những tồn tại và các mặt còn hạn chế khi triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 tại địa bàn huyện Hải Lăng. Đồng thời thành viên Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH cũng đã giải đáp, trả lời một số ý kiến, kiến nghị của phía huyện Hải Lăng.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Hải Lăng. Việc Hải Lăng hiện đang là vùng xanh đã giúp giữ được sự bình yên, bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Về công tác hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng khẳng định, việc hỗ trợ kịp thời cho người dân, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn là rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng ghi nhận, đánh giá cao các chính sách hỗ trợ người dân Hải Lăng đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh, thành phía Nam gặp khó khăn mà địa phương đã triển khai; kịp thời đưa các đối tượng yếu thế trở về quê tránh dịch.

Đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 23 và các chính sách của tỉnh ở một số xã còn chậm, Thứ trưởng đề nghị Hải Lăng cần làm rõ vướng mắc ở khâu nào, ở cấp nào. Thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu địa phương tăng tốc hỗ trợ người dân, không để người dân phải chờ đợi lâu, tránh phát sinh những tiêu cực không đáng có. Những đối tượng đã xác định rõ ràng, Thứ trưởng đề nghị cần tiến hành hỗ trợ ngay, không kéo dài. Đồng thời lưu ý địa phương cần rà soát lại đối tượng, để đảm bảo không bỏ sót, làm sai đối tượng được hỗ trợ, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cũng đề nghị Hải Lăng tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; kêu gọi nhà đầu tư, xây dựng các khu kinh tế, công nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tạo việc làm ổn định cho người dân. Hải Lăng cũng cần quan tâm đào tạo nghề cho người lao động để bảo đảm ổn định việc làm lâu dài; gắn đào tạo nghề với mục tiêu xuất khẩu lao động; liên kết với các cơ quan, đơn vị có chức năng để đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.    

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh