Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: "Bình Phước cần hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để sớm trở lại trạng thái bình thường mới"
- Dược liệu
- 21:00 - 05/10/2021
Sáng 5/10, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH tại phía Nam cùng các thành viên của đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Bình Phước về công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác đảm bảo an sinh xã hội, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thông tin, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 1.406 F0, đến nay 1.026 người đã điều trị khỏi, có 12 người tử vong do Covid - 19. Đợt dịch này đã làm cho gần 3.200 người phải cách ly y tế, nhiều người dân, đặc biệt người lao động, người sử dụng lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập.
Ngoài ra, 487/3.602 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động; 3.038/3.602 doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, từ đó làm cho 56.012/136.237 người lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương.
Ngoài người lao động có giao kết hợp đồng, dịch bệnh cũng làm cho gần 100.000 lao động tự do, đối tượng đặc thù khác bị mất việc làm, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an sinh xã hội.
“Tuy nhiên, với sự tập trung chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay tình hình dịch bệnh của tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt. Số ca mắc mới trong cộng đồng ngày càng giảm”, bà Tuyết thông tin.
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, bà Huỳnh Thị Thuỳ Trang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Phước cho biết đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 71.000 người lao động, người sử dụng lao động đã nhận hỗ trợ với tổng số tiền chi trả trên 83 tỷ đồng. Trong đó, có trên 80% người lao động tự do (nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch).
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 300.000 trẻ em, hiện nay có 3.500 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong đợt dịch Covid-19 này trên địa bàn tỉnh không có trẻ em mồ côi do bố hoặc mẹ tử vong vì dịch Covid-19. Có 170 em có bố, mẹ đang cách ly (F1) đã được hỗ trợ theo quy định.
Ngoài các chính sách theo quy định của Trung ương, tỉnh cũng đã tập trung huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách của địa phương, người dân gặp khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo.
Cụ thể, Tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 3 tháng (tháng 7, 8, 9) cho khoảng 1.960 đơn vị với 102.000 lao động, tông số tiền trên 8,865 tỷ đồng, đạt 100% đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ; đã phê duyệt cho 2.731 đối tượng F0, F1với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng, đã chi cho 1.581 đối tượng với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58%.
“Đến nay, tỉnh đã phê duyệt: 76.468 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), kinh phí trên 76 tỷ đồng; số đối tượng đã nhận tiền hỗ trợ: 68.097 người, kinh phí trên 68 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89%”, bà Trang thông tin.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM, Tổ Phó thường trực Tổ Công tác đặc biệt của Bộ, ghi nhận những kết quả mà tỉnh Bình Phước đã đạt được trong công tác đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đề nghị Sở LĐ-TB&XH khẩn trương thống kê, rà soát các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để hướng dẫn lập hồ sơ hỗ trợ, trong đó chú ý đến đối tượng là lao động có giao kết HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp để hỗ trợ kịp thời, việc rà soát lập hồ sơ song song với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 116, Quyết định 28 mới đây của Thủ tướng Chính phủ để đạt hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, “tỉnh Bình Phước cần tập trung hỗ trợ an sinh xã hội cho số công nhân lao động đang tạm trú ở các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh để giúp họ ổn định cuộc sống và yên tâm ở lại tỉnh làm việc”, ông Phạm Anh Thắng kiến nghị.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Bình Phước cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh và các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ một cách đồng bộ.
“Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ an sinh cho người dân, người lao động Bình Phước đang mắc kẹt tại các tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam, không những thế còn hỗ trợ công tác an sinh cho các tỉnh, thành lân cận. Trong những ngày qua đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân các địa phương vùng dịch có nhu cầu về quê đi qua địa bàn một cách an toàn, chu đáo, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch là việc làm có ý nghĩa nhân văn, thiết thực”, Thứ trưởng đánh giá.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục rà soát, thống kê để hỗ trợ kịp thời cho người dân khó khăn trên địa bàn tỉnh.
“Chính quyền các cấp của tỉnh nên chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để đón người lao động trở lại làm việc. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động sớm ổn định cuộc sống”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Những nội dung mà UBND tỉnh Bình Phước đề xuất, kiến nghị Thứ trưởng và đoàn công tác ghi nhận và sẽ đưa vào báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ để sớm hỗ trợ kịp thời cho địa phương.
Tiếp thu ý kiến của đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục linh hoạt thực hiện giải pháp để các gói chính sách hỗ trợ đến tay người dân trong thời gian sớm nhất. Đồng thời mong muốn Chính phủ quan tâm phân bổ thêm nguồn kinh phí và vaccine cho Bình Phước để tỉnh thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch.
Trước khi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Bình Phước, sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi thực địa tại phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Lại Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước thông tin, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Uỷ bam MTTQ Tỉnh đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình “Tương thân tương ái” để hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, Uỷ ban MTTQ các cấp đã vận động được trên 50 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Bình Phước đã hỗ trợ công dân của tỉnh còn ở lại TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai. Tỉnh đã hỗ trợ cho 9.554 người (hỗ trợ từ 700.000 đồng/người đến 1.000.000 đồng/người), với tổng kinh phí trên 6,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh. Dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 2.025 trường hợp với kinh phí trên 1,4 tỷ đồng trong tháng 10/2021.
Hỗ trợ 9.500 suất ăn, 3.333 phần quà đại đoàn kết, 4.000 túi an sinh, tổng giá trị 4,85 tỷ đồng cho người dân khó khăn đang ở trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, vận động giảm giá khu nhà trọ được 2.820 phòng, với số tiền trên 1,3 tỷ đồng, hỗ trợ chương trình “Sóng và Máy tính cho em” trên 26 tỷ đồng từ nguồn vận động.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh khác 220 tấn lương thực, thực phẩm cùng 7.026 túi an sinh xã hội trị giá 16,4 tỷ đồng. Hỗ trợ kinh phí chống dịch cho TP.HCM 1 tỷ đồng; Đắk Nông 1 tỷ đồng; Tây Ninh 1 tỷ đồng; Bình Dương 300 triệu đồng.