CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:10

Thứ trưởng Lê Quân trả lời phỏng vấn về đào tạo nhân lực thời 4.0

 

LTS: Hiện nay, trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cơ hội lớn cho các nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó có Việt Nam. 

Vấn đề đặt ra là Việt Nam có giải quyết được những thách thức về trình độ lao động, năng suất thấp để sẵn sàng cho một giai đoạn mới trên nền tảng khoa học công nghiệp 4.0?

Tháng 12/2017 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân ký ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác trong tổ chức chương trình đào tạo trong đó quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo.

Trước tình hình này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội – Lê Quân nhằm đưa đến cái nhìn tổng quan nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với giáo dục nghề nghiệp. 



Phóng viên: Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào năm 2016 tại Thụy Sĩ, các nhà kinh tế và khoa học đã cảnh báo, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. 

Theo ông, giáo dục nghề nghiệp sẽ gặp thách thức và có được cơ hội gì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này?

Thứ trưởng Lê Quân: Khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện, nhiều nghề mới sẽ xuất hiện và cũng nhiều nghề cũng sẽ bị loại bỏ. 

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp nhóm nhân lực không có kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ. Tình trạng máy móc thay thế con người sẽ trở lên phổ biến tại nhiều ngành nghề khác nhau. 

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang nhiều cơ hội cho nhân lực có kỹ năng, nhân lực đổi mới sáng tạo, nhân lực các nhóm ngành dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, các công việc chú trọng giá trị khác biệt nhờ khai thác các yếu tố văn hóa, tâm lý, giá trị nhân văn. 

Thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay là năng suất lao động chúng ta còn thấp. Lao động có chuyên môn nghiệp vụ không nhiều. 

 

Thứ trưởng Lê Quân: Ưu tiên đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

 

Trước mắt, trong khoảng gần chục năm tới, để tránh phải đầu tư trang thiết bị tốn kém lại nhanh lạc hậu, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vẫn tập trung khai thác yếu tố nhân lực giá rẻ khi đầu tư vào Việt Nam.

Do đó, cùng với tình trạng già hóa dân số nhanh, thất nghiệp tuổi trung niên (sau tuổi 35) của lao động không có chuyên môn nghiệp vụ là vấn đề lớn của chúng ta trong vòng mười năm tới. 

Trong bối cảnh này, giáo dục nghề nghiệp hay dạy nghề đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn. Trong đó tôi cho rằng cơ hội nhiều hơn thách thức. 

Thách thức lớn nhất phải kể đến là năng lực đổi mới của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện còn chưa cao. Tư duy bao cấp là trở ngại lớn nhất làm chậm đổi mới ngành nghề.

Nhiều cơ sở dạy nghề vẫn dạy những cái mình có chứ chưa đổi mới kịp cái thị trường cần.

Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi bên cạnh nhân lực thạo nghề, còn phải có năng lực học tập để nhanh chóng tiếp cận các công nghệ mới, nghề mới.

Những năng lực mới như ngoại ngữ, thích ứng, khả năng quản trị lộ trình nghề nghiệp gắn với học tập suốt đời, khởi nghiệp và sáng tạo... cần được chú trọng hơn trong giáo dục nghề nghiệp. 

Thời cơ lớn nhất là nhu cầu học nghề ngày càng tăng cao.

Bên cạnh việc hàng năm cần đào tạo nghề cho hàng triệu thanh niên chuẩn bị gia nhập thị trường lao động; đào tạo nghề còn phải tập trung nỗ lực để trang bị kỹ năng nghề cho vài chục triệu lao động chưa có chuyên môn nghiệp vụ (hiện chiếm đến 79% trên tổng số 54 triệu lao động).

Đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong triển khai xã hội học tập và học tập suốt đời. So với giáo dục đại học, dạy nghề có lợi thế hơn là thời gian đào tạo ngắn, tổ chức đào tạo theo modun gắn với từng kỹ năng cụ thể, quá trình đào tạo gắn liền với thực hành.

Do đó, dạy nghề đáp ứng rất tốt trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dạy nghề giúp doanh nghiệp và người học nhanh chóng đào tạo cập nhật và đào tạo chuyển đổi công nghệ.

Vậy những giải pháp cơ bản nào mà giáo dục nghề nghiệp có thể đóng góp vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại nước ta, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Quân: Thứ nhất, phải đổi mới chương trình đào tạo. Theo đó, cần chú trọng trang bị ngoại ngữ, phát triển kỹ năng nghề và năng lực sáng tạo, năng lực thích nghi và tiếp cận các thay đổi nghề nghiệp.

Phải trang bị cho người học năng lực học tập suốt đời, biết xây dựng và làm chủ lộ trình nghề nghiệp của bản thân.

Thứ hai, phải rút ngắn thời gian đào tạo để người lao động nhanh chóng hội nhập tại doanh nghiệp; và đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập để cập nhật và gắn với đổi mới công nghệ.

Thứ ba, phải chú trọng đào tạo lại; trong đó ưu tiên đào tạo lại cho những người từ 30 - 45 tuổi để có năng lực tiếp cận các nghề mới.

Nhóm đối tượng này chiếm đông đảo trong lực lượng lao động, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, nhưng hiện nay nhà nước chưa có chính sách đào tạo lại.

Đầu tư vào đào tạo lại ngay từ bây giờ sẽ giúp đất nước và các địa phương giảm rất nhiều chi phí an sinh xã hội trong tương lai; giúp làm giảm tác động tiêu cực từ già hóa dân số.

Thứ tư, phải coi công nghệ thông tin là yếu tố nền tảng để đổi mới. Bên cạnh đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, cần coi ứng dụng công nghệ thông tin là đòn bẩy tạo sự đột phá về chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp.

Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục nghề nghiệp?

Thứ trưởng Lê Quân: Trước hết, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội xác định ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố sống còn để đổi mới giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Khi công nghệ thông tin trở nên quen thuộc với người dạy và người học, thì khả năng thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tăng lên.

Do vậy, Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục nghề nghiệp mới được Bộ phê duyệt tập trung vào những giải pháp cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh.

Bộ đã phê duyệt dự án xây dựng cổng thông tin lựa chọn nghề, chọn trường. Phần mềm này sẽ được xây dựng cả trên thiết bị di động.

Nhờ công nghệ thông tin, công tác tuyển sinh sẽ được đổi mới chuyển hẳn từ tiếp cận thi cử sang tiếp cận hướng nghiệp chọn nghề và chọn trường phù hợp.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Toàn bộ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được kết nối thông qua trung tâm dữ liệu ngành. 

Dựa trên nền cơ sở dữ liệu đảm bảo chất lượng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được kết nối hệ thống.

Qua đó Bộ cũng đẩy mạnh được kết nối cung ứng lao động theo nghề và theo khu vực và kết nối với cầu của thị trường lao động. 

Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo xây dựng 6 môn học chung cho các bậc cao đẳng và trung cấp. Chủ trương của Bộ sẽ đưa 6 môn học này vào đào tạo trực tuyến; cho phép người học toàn quốc được học và thi các môn học này online.

Qua đó giảm thiểu chi phí đào tạo, tạo sự linh hoạt cho người học, và tạo sự thân thiện của người học với công nghệ thông tin. Tiếp theo sẽ là những modun chung theo nghề được xây dựng và triển khai đào tạo trực tuyến cho toàn ngành.

Bước tiếp theo, Bộ sẽ cho triển khai nhiều modun đào tạo online khác như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, kỹ năng, kiến thức nghề cơ bản... 

Với công nghệ mới, người học tại mọi nơi và mọi lúc có thể dễ dàng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp.

Đào tạo online sẽ giúp giáo dục nghề nghiệp vào đến với học sinh phổ thông để giúp phân luồng sớm, đến với các khu công nghiệp để giúp công nhân có thể vừa học vừa làm.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo thí và đánh giá kỹ năng nghề. Đánh giá trực tuyến giúp công bằng, giảm thủ tục và giảm chi phí.

Gần 2000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ là một thị trường rất lớn để các doanh nghiệp đầu tư cung cấp các giải pháp giáo dục ứng dụng công nghệ mới đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. 

Trong một số lĩnh vực, theo dự báo, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. 

Theo ông, để giải quyết những vấn đề tồn tại, khó khăn đó của lao động Việt Nam, chúng ta cần triển khai các giải pháp như thế nào?

Thứ trưởng Lê Quân: Thực tế đó sẽ diễn ra nhưng chưa quá nhanh. Trong những năm tới, bên cạnh các doanh nghiệp 4.0, rất nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng lao động giá rẻ thay vì đầu tư thay thế trang thiết bị tự động hóa.

Do đó chúng ta vẫn có thời gian để thay đổi.

Đào tạo lại là giải pháp cần được đặt lên hàng đầu.

Với 54 triệu lao động, trong đó gần 80% là chưa có chuyên môn nghiệp vụ, cùng với tốc độ già hóa dân số, Việt Nam cần đặt ưu tiên cao vào đào tạo lại và phát triển học tập suốt đời.

Đây cũng chính là cơ hội lớn và phải là ưu tiên của giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cũng vừa ban hành thông tư khuyến khích đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm.

Tiếp theo, Bộ sẽ triển khai thí điểm các chương trình đào tạo một số nghề trọng điểm thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 cho đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp. 

Thay vì chúng ta chỉ hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp, chúng ta sẽ chủ động hơn bằng cách đào tạo lại cho những người chưa thất nghiệp nhưng có nguyện vọng được tăng cường kỹ năng nghề. 

Nếu làm tốt, chúng ta có thể đào tạo cho hàng triệu công nhân. Rất nhiều nghề có thể triển khai đào tạo để chuyển đổi nghề cho công nhân.

Các ngành nghề có nhu cầu rất cao như du lịch, khách sạn, nhà hàng, lập trình, tự động hóa, logistic, điều dưỡng, phục hồi chức năng, nghề quản gia,... 

Theo các chuyên gia, để phát huy được sự sáng tạo của mỗi lao động, không còn cách nào khác là phải cải cách, thay đổi ngay từ khâu đào tạo.

Trong khi vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác trong tổ chức chương trình đào tạo trong đó quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo.

Xin ông cho biết thêm, Thông tư này sẽ giúp ích gì cho cơ sở đào tạo, người học và doanh nghiệp? 

Thứ trưởng Lê Quân: Dạy nghề là dạy cho người học đủ năng lực thực hiện được những công việc đang diễn ra trong sản xuất kinh doanh.

Người học chưa cần quan tâm nhiều đến các câu hỏi tại sao, mà tập trung học để đủ năng lực đáp ứng câu hỏi như thế nào? 

Do đó, dạy nghề không thể đưa vào chương trình những kiến thức và kỹ năng mà các doanh nghiệp chưa có nhu cầu. Dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực ngắn hạn của doanh nghiệp. 

Chính vì vậy, nhà trường không thể đưa vào giảng dạy chương trình đáp ứng yêu cầu của một doanh nghiệp bên Châu Âu nếu như đó không phải là nơi tiếp nhận người học đến làm việc. 

Trường nghề phải hợp tác với doanh nghiệp hàng xóm của mình để người học vừa học vừa thực hành và đảm nhận được công việc tại doanh nghiệp khi tốt nghiệp.

Mô hình dạy nghề của Đức thực hiện triệt để yêu cầu này. Người học sẽ chọn doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trước, sau đó mới chọn trường nghề để vừa học vừa hành.

Thông tư này tạo cơ chế cho phép doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào quá trình đào tạo.

Nếu thực hiện triệt để, nhà trường lo đào tạo 60% chương trình trong đó tập trung vào các modun kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản; còn lại doanh nghiệp sẽ đảm nhận đào tạo tại doanh nghiệp toàn bộ modun thực hành. 

Trên cơ sở hợp đồng kinh tế, nhà trường và doanh nghiệp thống nhất hợp tác từ xây dựng thiết kế chương trình, đào tạo giảng viên, tuyển dụng ứng viên, tổ chức đào tạo,...

Xin khẳng định lại là Bộ không hạn chế thời lượng thực hành của chương trình dạy nghề.

Thực hành tại trường và tại doanh nghiệp có thể chiếm đến 70-80% thời lượng chương trình đào tạo. Nhưng thời lượng đảm nhận hoàn toàn bởi doanh nghiệp, bởi giảng viên doanh nghiệp và tại doanh nghiệp, tối đa là 40% chương trình đào tạo. 

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh