THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:14

Thứ trưởng Lê Quân: Thực hành phải là sản xuất thật

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân thăm lớp học Công nghệ sinh học tại Trường CĐN Đà Lạt

Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng, Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Kỹ thuật Đà Lạt theo Quyết định số 920/QĐ-BLĐTBXH ngày 03/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh - Xã hội. Hiện tại, trường có 119 công chức, viên chức, nhân viên, trong đó 100% đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn, có trên 58% cán bộ, nhà giáo có trình độ trên đại học. Về cơ sở vật chất, trường có 29 phòng học lý thuyết, 48 phòng xưởng thực hành, Ký túc xá 500 chỗ hội trường, thư viện, nhà ăn… đảm bảo đáp ứng đào tạo nghề và dịch vụ của trường. Quy mô  đào tạo hàng năm trung bình 2000 học sinh, sinh viên hệ dài hạn chính quy với 09 nghề ở cả hai trình độ trung cấp, cao đẳng và gần 4000 học viên trình độ sơ cấp và một số lớp ngắn hạn khác, đào tạo theo đơn đặt hàng...

Đổi mới chương trình đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp từ công tác tuyển sinh, đào tạo tới kiểm tra đánh giá tốt nghiệp là một trong những nhiệm vụ được nhà trường luôn coi trọng. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trường đã đổi mới công tác đào tạo, thực hiện đào tạo theo phương thức tích lũy tín chỉ, rút ngắn thời gian học tập và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sớm tham gia thị trường lao động. Chương trình đào tạo của trường luôn được đổi mới, bắt kịp với thực tiễn sản xuất thông qua việc thường xuyên lắng nghe những góp ý, phản biện, tích cực mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng quản lý cũng như công tác đào tạo, trường đã sớm chủ động tham gia thực hiện hệ thống đảm bảo chất lượng. Đến nay, trường đã triển khai xây dựng 79 quy trình quản lý chất lượng và triển khai vận hành một cách hiệu quả. Nhờ vậy, hiện nay 85% học sinh, sinh viên của trường có việc làm và thu nhập ổn định trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp. Song song với công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học đối với giáo viên và học sinh luôn được trường quan tâm. Các nội dung nghiên cứu được tập trung vào các đề tài khoa học phục vụ công tác giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, các giải pháp, sáng kiến trong đời sống, trong hoạt động học tập của học sinh, sinh viên. Với các bài báo quốc tế hằng năm đã khẳng định được khả năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên và khẳng định được thương hiệu của nhà trường.

 Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Hiệu trường Trường CĐN Đà Lạt báo cáo tình hình hoạt động của nhà trường tại buổi làm việc

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng nhà trường trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao trong Khu vực Tây Nguyên và trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp, tiến tới được Quốc tế công nhận. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi về chuyên môn, có tính kỷ luật và tác phong công nghiệp đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội, phù hợp với phương hướng phát triển nhân lực trong nước và quốc tế. Đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế; tất cả các chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc tế đều đạt tiêu chuẩn chất lượng. Để thực hiện mục tiêu đó, nhà trường sẽ tập trung vào một số giải pháp: Đầu tư tập trung và đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chương trình đào tạo, giáo viên và cán bộ quản lý; đảm bảo chất lượng đào tạo trong đó chú trọng các nghề đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng văn hoá chất lượng trở thành yếu tố cốt lõi để thực hiện các hoạt động tổ chức và quản lý đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân phát biểu trong buổi làm việc với Trường CĐN Đà Lạt

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quân đánh giá cao những thành tích cũng như hoạt động của Trường cao đẳng nghề Đà Lạt, mong rằng nhà trường sẽ tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được để xây dựng trường trở thành trường chất lượng cao, đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cung cấp cho thị trường lao động. Tuy nhiên, với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng đề nghị nhà trường cần đẩy nhanh tiến độ đổi mới hơn nữa, khai thác cơ hội tự chủ để bắt kịp với xu thế phát triển của địa phương, của vùng tây nguyên và cả nước. Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạo cơ chế để các trường hoạt động tự chủ hơn, đặc biệt là trường cần nghiên cứu mô hình doanh nghiệp trong nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên học tập và thực hành. Thực hành phải gắn với sản xuất thật. Từ đó, giúp trường đa dạng hóa các nguồn thu sự nghiệp, có điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên và đầu tư phát triển cơ sở vật chất, thiết bị cho công tác dạy và học. Về ngành nghề đào tạo, trường cần thực hiện đa dạng  ngành nghề đào tạo, bám theo thị trường lao động, nhu cầu của thị trường để đào tạo. Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học, sớm triển khai chương trình đào tạo trực tuyến đối với các môn học chung. Bên cạnh đó, trường cần chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, tiếp cận với các chuẩn quốc tế trong đào tạo, quản trị và trong công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh