Nam Trà My (Quảng Nam) Tổ chức Lễ kỷ niêm 20 năm tái lập huyện
Thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/người.
- Dược liệu
- 14:49 - 03/08/2023
Dự lễ có các đồng chí Phan Việt Cường-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh; đoàn đại biểu các quận, huyện của TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Lào Cai, Yên Bái.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My-Lê Thanh Hưng đã ôn lại chặng đường phát triển của Nam Trà My sau tái lập. Huyện Nam Trà My được thành lập từ tháng 3/1947 với tên gọi là Châu Trà My; qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi; đến ngày 20/6/2003, để đáp ứng yêu cầu phát triển chung, huyện Trà My được chia tách thành hai đơn vị hành chính cấp huyện là Nam Trà My và Bắc Trà My. Đây chính là điều kiện thuận lợi và là cơ hội lớn để cả hai địa phương Nam Trà My và Bắc Trà My cùng phát triển. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển; đặc biệt là sau 20 năm kể từ ngày tái lập, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My đã đoàn kết một lòng, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên để xây dựng và phát triển,đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Đảng bộ không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng; toàn Đảng bộ hiện có 42 tổ chức cơ sở đảng với 1.900 đảng viên, gấp 2,5 lần so với thời điểm mới tái lập; phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10%; quy mô kinh tế huyện phát triển vượt bật so với năm 2003, tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt trên 1.167 tỷ đồng.
Huyện đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, Sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung. Vùng Sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15 nghìn héc ta tại 07/10 xã của huyện; có trên 1.250 hộ gia đình tham gia trồng Sâm trên diện tíchhơn 02 nghìn héc ta, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.
Với ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng của Sâm Ngọc Linh, vào ngày 01/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Nam Trà My nói riêng phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để triển khai hiệu quả các chủ trương về phát triển cây Sâm Ngọc Linh ngang hàng với các loại Sâm đặc biệt quý hiếm trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.
Hệ thống giao thông huyết mạch của huyện được đầu tư xây dựng đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu; tuyến Quốc lộ 40B được nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối thông thương giữa trung tâm huyện với các tỉnh Tây Nguyên; đường Đông Trường Sơn giúp mở rộng cánh cửa phía Đông của huyện và kết nối với tỉnh Quảng Ngãi; kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được hình thànhvà từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển;diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc.Các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Nam Trà My được quan tâm, chú trọng.Các tập tục lạc hậu cơ bản được xóa bỏ; 80% số thôn đạt chuẩn văn hóa; đời sống của đồng bào các dân tộc có sự cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 77% (năm 2003) xuống còn 44,69% (năm 2023),thu nhập bình quân đầu người tăng từ 02 triệu đồng/người (năm 2003) lên gần 35 triệu đồng/người (vào năm 2022).
Để ghi nhận những thành tích xuất sắc đáng tự hào đó, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởngNhân dân và cán bộ huyện Nam Trà My phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều Bằng khen, giấy khen của Trung ương, của tỉnh.
Bước sang thời kỳ mới, nhiệm vụ đặt ra cho toàn tỉnh nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng sẽ hết sức nặng nề, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm lớn hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện. Tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nam Trà My cần phát huy truyền thống cách mạng và những thành quả đã đạt được trong suốt chặng đường 20 năm qua; tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; trong đó, cần chú ý một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, huyện Nam Trà My tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, phát triển sản phẩm sâm theo hướng chế biến sâu để xuất khẩu và gắn trồng sâm với phát triển du lịch.