THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:23

Cựu Thủ khoa Bách Khoa Hà Nội kiếm 6.000 USD nhờ tìm ra “lỗ hổng” của Facebook

 

Phạm Văn Khánh từng là Thủ khoa đầu vào Đại học Bách khoa HN. Hiện đang làm công việc trong lĩnh vực an ninh mạng. Khánh đã tìm ra 2 lỗ hổng bảo mật của Facebook, nhận được 6.000USD từ công ty Mỹ.

 

Phạm Văn Khánh (sinh năm 1992) từng là Thủ khoa đầu vào đại học Bách khoa Hà Nội năm 2010. Mới đây, Khánh được bầu chọn là điển hình xuất sắc của Viettel năm 2016.

Sở thích của Phạm Khánh là đọc sách (kĩ thuật, tiểu thuyết), chơi cầu lông, chơi game và tìm hiểu bảo mật. Hiện tại Khánh dành nhiều thời gian cho công việc. Khi rảnh rỗi, anh thường mày mò, tìm hiểu thêm về bảo mật.

Khánh nói: “Sở trường của mình thực sự không có gì đặc biệt, có chăng là mình có thể tập trung làm một việc gì đó mình thích một cách hăng say. Ước mơ của mình là trở thành một chuyên gia bảo mật giỏi ở trình độ thế giới. Ước mơ này vẫn còn xa vời nhưng mình vẫn đang cố gắng rèn luyện mỗi ngày để đạt được điều đó”.

Lí do khiến Khánh quyết định theo đuổi ngành công nghệ thông tin (CNTT), một phần là do tò mò với máy tính, tin học liên quan nhiều đến thuật toán, toán học bởi cậu rất đam mê học toán. “Mình chọn học Bách khoa và ngành công nghệ thông tin từ khá sớm (khi học lớp 10). Lúc đó mình thấy máy tính thật kì diệu, không hiểu sao người ta lại có thể tạo một thiết bị tuyệt vời như vậy: có các trang web, ứng dụng như word, game... Đến bây giờ mình vẫn thấy nó kì diệu, không tài nào hiểu hết được”, Khánh chia sẻ.

Khi xưa nhà Khánh nghèo, không có điều kiện mua máy tính để cậu tận hưởng đam mê. Chỉ khi lên học đại học, Khánh đạt được Thủ khoa đầu vào với số điểm 29,5 thì mới được một đơn vị tài trợ tặng cho một chiếc máy tính.

Dù bắt đầu muộn nhưng Khánh rất nhanh nắm bắt được giá trị khai thác của một chiếc máy tính có kết nối mạng. Khánh chỉ mất 3 năm học tập ở trường để bắt đầu công việc cộng tác viên bán thời gian với Viettel. Sau đó, cậu vượt qua cuộc thi tuyển và trở thành nhân viên chính thức.

Công việc hiện nay của Khánh là nhân viên An ninh mạng. Cậu phụ trách tìm kiếm, phát hiện và cảnh báo các nguy cơ mất an toàn thông tin từ đó góp phần đảm bảo an toàn cho công ty cũng như khách hàng. Khánh cảm thấy công việc này rất hấp dẫn với người trẻ.

“Thứ nhất, an ninh mạng là lĩnh vực thay đổi không ngừng, luôn đổi mới, từ đó mình phải học tập, tiếp thu kiến thức hằng ngày. Thứ hai, nó có nhiều thử thách khó, tìm lỗ hổng phần mềm là một trong số nhiều thử thách thú vị đó. Thứ ba, lĩnh vực này có các cuộc thi về hacking với số tiền thưởng rất lớn. Đây giống như một hoạt động thể thao, các đội thi đấu với nhau. Việt Nam mình cũng có 1 số đội mạnh”, Khánh miêu tả.

Bản thân Khánh là người trầm tính, ngồi tập trung mày mò một thứ gì đó rất lâu mà không chán, nên cậu cảm thấy thấy phù hợp làm An ninh mạng. Cậu ví đặc thù công việc này giống như bác sĩ hàng ngày hàng giờ nghiên cứu với mục đích “tìm và chữa đúng bệnh”.

Bên cạnh đó, An ninh mạng cũng là ngành có mức lương khá cao bởi đây đang là lĩnh vực “hot” trong ngành CNTT. Tuy nhiên, theo Khánh đánh giá: “Mỗi lĩnh vực có nhiều công việc khác nhau, nhiều vị trí khác nhau, môi trường làm việc, chế độ mỗi công ty mỗi khác. Từ đó mức lương cũng đa dạng. Mình nghĩ mình tìm cho mình một công việc phù hợp với tính cách, sở trường của bản thân để từ đó mình có thể phát huy tốt khả năng của mình là rất quan trọng. Trong lĩnh vực an ninh mạng Việt Nam, mình biết có nhiều người rất giỏi nhưng chỉ làm vì đam mê (ví như nghề tay trái, không kiếm ra thu nhập, chỉ làm những lúc rảnh rỗi)”.

 

 
Người Việt Nam đầu tiên tìm ra lỗ hổng bảo mật của Facebook, được thưởng 6.000USD

Khánh thường dành thời gian rảnh để tham gia tìm kiếm những lỗ hổng bảo mật như một thử thách thú vị dành cho bản thân. Chính nhờ thói quen này mà Khánh phát hiện lỗ hổng bảo mật của Facebook, thực hiện tấn công thành công vào máy chủ của Facebook và được Facebook công nhận, trao thưởng 6.000 USD. Sau đó, Facebook đã sửa lỗi này trong 2 ngày và trả thưởng cho Khánh. Tính tới thời điểm hiện tại, Khánh là trường hợp duy nhất tại Việt Nam phát hiện lỗ hổng của Facebook được ghi nhận.

Khánh giải thích rằng Facebook có chương trình trả thưởng cho người tìm ra và thông báo lỗ hổng cho công ty này. Các chương trình như thế gọi là bug bounty. Nhiều công ty khác như: Google, Twitter, Paypal.. cũng có các chương trình như thế. Khánh tham gia tìm lỗi của Facebook đã được một thời gian.

“Mình thấy khá khó. Nhiều lúc cũng chán nản vì mãi không có kết quả. Rồi thì bỗng dưng một ngày, sau khoảng 2-3 tháng, mình tìm đúng chỗ thì phát hiện ra lỗi. Thực sự lúc đó mình rất vui, cũng có một phần may mắn trong đó nữa. Đánh giá khách quan thì mình thấy không phải quá xuất sắc, vì đã từng có rất nhiều người tìm ra lỗ hổng cho Facebook. Tuy nhiên, riêng cá nhân mình thấy đó là bước ngoặt đối với mình, vì mình có thêm niềm tin và động lực cho công việc cũng như niềm đam mê của mình sau này”, Khánh kể lại.

Một ngày, đa phần thời gian của Khánh là ở bên chiếc máy vi tính. Cậu chia sẻ rằng, đôi khi có những áp lực rất mệt mỏi và căng thẳng nhưng có cũng có những lúc hạnh phúc, chẳng hạn như lúc tìm ra lỗi mới. Khánh khá thoải mái và yêu nghề.

Cậu nói: “Nghề nào cũng có những đặc thù nhất định và mình cần phải thích nghi. Những lúc rảnh rỗi, mình vẫn xem phim, nghe nhạc, đi chơi ăn uống cùng bạn bè, hoặc là ngồi đọc sách kĩ thuật, tìm hiểu những vấn đề gì đó mới mẻ, hay ho trong ngành. Có một vài sở thích từ lâu rồi mình chưa làm, mặc dù ngày trước mình rất thích, chẳng hạn như chơi cầu lông, chơi game... Trong tương lai chắc mình phải sắp xếp dành thời gian để thực hiện”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh