THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:08

Thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước

6 tháng: GRDP của Hà Nội tăng 7,21%

Tại phiên khai mạc sáng nay, thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của TP Hà Nội.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. GRDP theo cách tính mới tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%), trong đó: Dịch vụ tăng 6,66% (cùng kỳ tăng 7,12%); công nghiệp - xây dựng tăng 8,38%, (cùng kỳ tăng 7,88%). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,82% (cùng kỳ tăng 6,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 12%).

Du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch ước đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 17,2%), trong đó, khách quốc tế 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% (khách quốc tế có lưu trú 2,34 triệu lượt, tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 23,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8%.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc Kỳ họp

Thành phố đã chủ động và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung bố trí kinh phí, huy động nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ngoại trừ chăn nuôi lợn gặp khó khăn, chăn nuôi trâu, bò và gia cầm ổn định, quy mô và sản lượng đều tăng so với cùng kỳ; sản xuất trồng trọt thuận lợi; lâm nghiệp, thủy sản phát triển tốt nên giá trị gia tăng nông, lâm và thủy sản vẫn duy trì tăng 1,15%.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước, hoàn thành sớm 02 năm mục tiêu nhiệm kỳ 2016-2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển: Đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước; lũy kế tổng số vốn đạt 41,2 tỷ USD (4.850 dự án vốn đăng ký 34,2 tỷ USD, 1.850 lượt góp vốn mua cổ phần vốn đăng ký 7 tỷ USD); lũy kế vốn thực hiện đạt khoảng 20,5 tỷ USD (tỷ lệ đạt 49,7%).

Quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, tống số vốn đăng ký 12,6 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh vốn đầu tư 34 dự án, trong đó 25 dự án tăng vốn thêm 7,1 nghìn tỷ đồng. Đã cấp Giấy chứng nhận thành lập mới 13.690 doanh nghiệp, vốn đăng ký 143,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiêp và tăng 1 % vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo, FDI dẫn đầu cả nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán, tăng 12,8% cùng kỳ, trong đó thu nội địa 122.425 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 33.818 tỷ đồng, tăng 9,1% cùng kỳ, đạt 33,5% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 14.467 tỷ đồng, đạt 32,2% dự toán; Chi thường xuyên 19.338 tỷ đồng, đạt 40,7% dự toán.

Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 5,4%; nhập khẩu ước tăng 4,6%. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 12,02%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước tăng 4,01%-4,07%.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm

Các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo diện tích đạt 86%. Đang triển khai lập quy hoạch phân khu tại Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và đô thị Hòa Lạc. Tổ chức tốt phân luồng, quản lý phương tiện vận tải, đảm bảo lưu thông thông suốt. Xử lý được 5/33 điểm ùn tắc, tiếp tục thí điểm tổ chức giao thông tại 2/33 điểm và giải pháp xử lý các điểm còn lại.

Hệ thống hồ trên địa bàn tiếp tục được quan tâm cải tạo; vệ sinh môi trường được tổ chức tốt. Tiến hành thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch và Hồ Tây theo công nghệ của Nhật Bản. Đã trồng thêm 166 nghìn cây đô thị và cây bóng mát; hoàn thành 96 tuyến/kế hoạch 177 tuyến phố. Tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 57%. Phát triển nhà ở được quan tâm đầu tư.

Năm 2019, TP Hà Nội tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin điều hành, quản lý để nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm thời gian chi phí, tạo thông thoáng cho thu hút đầu tư. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), trọng tâm là các chỉ số còn thấp như: "Tính minh bạch và tiếp cận thông tin",“Môi trường cạnh tranh bình đẳng”, “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”... Tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á lần thứ 16 (CPTA 16)…

Kết quả, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước, 6 tháng đầu năm 2019 đạt 5,03 tỷ USD. TP đã quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án đầu tư trong nước ngoài ngân sách, với tổng số vốn 12,6 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh vốn đầu tư 34 dự án. Cấp giấy chứng nhận cho 13.690 DN thành lập mới, tăng 10% so với cùng kì năm trước. Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 12,02% (cùng kỳ tăng 10,5%). Tính đến hết tháng 6, nguồn vốn huy động trên địa bàn Hà Nội đạt 3.288 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối năm 2018…

Triển khai 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội

Lãnh đạo Thành phố nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại như: một số chỉ tiêu vẫn duy trì tăng khá nhưng đạt thấp hơn mức cùng kỳ; chỉ số giá có xu hướng tăng cao; dịch tả lợn châu Phi ngày càng diễn biến phức tạp; chỉ số PAPI 2018 tăng 2 bậc nhưng vẫn trong nhóm thấp nhất cả nước; công tác giải phóng mặt bằng chậm; tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm; hiện tượng ùn ứ giao thông vẫn xảy ra; công tác quản lý sử dụng nhà chung cư tái định cư còn bất cập về sửa chữa trang thiết bị chung; còn tồn tại những hành vi thiếu văn hóa diễn ra nơi công cộng; vi phạm luật an toàn giao thông; tình hình tội phạm hình sự tăng, tội phạm ma túy, tín dụng đen, vi phạm pháp luật về môi trường… chưa có dấu hiệu giảm; nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn, số vụ cháy giảm song thiệt hại về người tăng.

UBND thành phố đã chỉ ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được xác định là chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các chương trình làm việc của Thành ủy, HĐND thành phố và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Kế hoạch của Thành ủy về thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Để đạt mức tăng trưởng đề ra đầu năm là 7,4-7,6%, 6 tháng cuối năm 2019, thành phố cần đạt mức tăng trưởng 7,6-8%. Thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn như: Tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo…

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh