THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:12

Thu hồi đất xây sân bay Long Thành: Phải tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Cần vấn đề đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất

Ngày 27/10, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra tại hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều ý kiến nhận định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trong Báo cáo chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án, đặc biệt là cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế (nông trường, doanh nghiệp), cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư.

Cử tri xã Long Hưng phản ánh các trường hợp bị thu hồi đất ở khu kinh tế mở Long Hưng với ĐBQH ngày 3/10/2017

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị Chính phủ cần giải trình, làm rõ thêm nội dung người dân sẽ chuyển đổi nghề như thế nào. Chính phủ, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ mục tiêu xây dựng khu tái định cư là đô thị hiện đại như mục tiêu quy hoạch đã thể hiện: đô thị kiểu mẫu, thích ứng với điều kiện sống của người dân. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình thu hồi đất, bảo đảm lắng nghe ý kiến của người dân...

Đề cập đến vấn đề đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặc biệt lưu ý: “Trong đề án này chúng ta nhắc đến việc chú trọng tiền cho người ta sinh sống trong vòng thời gian 4 tháng, gọi là hỗ trợ về nhà, hỗ trợ cuộc sống từ 10 - 30 triệu. Thế nhưng hết 10 - 30 triệu rồi thì người dân làm cái gì thì chúng ta chưa bàn đến?", ông nói.

"Đành rằng có các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, nhưng có đảm bảo chắc chắn rằng người dân học xong sẽ có việc làm và có thu nhập không? Những người dân từ 40 tuổi trở lên, khó đảm bảo sau khi đào tạo nghề, họ có thể kiếm được việc để lo liệu cuộc sống, và gần như không có phương án gì giúp họ tìm kiếm sinh kế sau tái định cư”, ông Cường nhấn mạnh thêm. 

Vì thế, vị đại biểu này đề nghị, trong đề án này phải có phương án về sinh kế cho các gia đình thuộc diện di dời, và phải chia ra cụ thể 2 độ tuổi lao động phù hợp dưới và trên 40 tuổi để đào tạo nghề gắn với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. “Thậm chí có thể hỗ trợ cho chính các doanh nghiệp sau đào tạo thì nhận người dân vào làm. Chứ không phải chúng ta đào tạo nghề cho họ, cấp chứng nhận đào nghề cho họ là coi như xong”, ông Cường lưu ý. 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) khẳng định, tạo công ăn việc làm cho người dân thu hồi đất phải hết sức lưu ý sao cho phù hợp với khả năng, sở trường, để họ ổn định lại cuộc sống. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy là khi tái định cư, nên tạo công ăn việc làm cho người dân gắn liền luôn tại địa phương đó, gắn với đặc thù cũng như lợi thế của người dân vùng đó để họ sinh kế ổn định, lâu dài. 

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, giải phóng mặt bằng, tái định cư sân bay Long Thành sẽ rất phức tạp, vì thế phải có cam kết rõ ràng, cả hệ thống phải vào cuộc, tránh tình trạng dân khiếu kiện, mất trật tự an toàn xã hội. Đây là dự án di dân lớn nhất từ trước đến nay, tác động rất lớn, vì vậy phải làm thận trọng, tránh mất ổn định, xáo trộn cuộc sống của người dân.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh